Phương án mới nhất áp thuế ô tô

Mừng hụt thuế tiêu thụ đặc biệt

Bộ Tài chính vừa chính thức trình Thủ tướng phương án mới nhất về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ. Dự thảo mới lần này sẽ bỏ phân nhóm áp thuế tiêu thụ đặc biệt với loại xe có dung tích xylanh từ 1.000 cm3 trở xuống.

Theo đó, với các dòng xe có dung tích dưới 1.500 cm3 áp dụng thuế suất 40% từ ngày 1-7-2016 (giảm 5% so với hiện tại) và 35% từ ngày 1-1-2018. Loại có dung tích 1.500-2.000 cm3 áp thuế suất 40% từ ngày 1-1-2018 (giảm 5%). Loại có dung tích 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1-7-2016 (tăng 5%) và 60% từ ngày 1-1-2018.

Trong dự thảo lần này có điều chỉnh tương đối lớn so với dự thảo gần nhất và càng khác xa so với phương án đưa ra ban đầu. Trong lần gần nhất, Bộ Tài chính vẫn trình phương án chia nhỏ với cả dòng ô tô có dung tích xylanh từ 1.000 cm3 trở xuống và các mức thuế suất của các dòng xe có lộ trình giảm sâu xuống 25%-30% từ 1-1-2018. 

Trong lần trình đầu tiên, thậm chí các dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xylanh thấp, mức thuế tiêu thụ đặc biệt còn dự kiến được điều chỉnh giảm 20%-25% so với mức hiện hành đang áp dụng là 45%.

Chia sẻ về lý do thay đổi phương án trình, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói ngắn gọn: “Phương án trước đó không được đại biểu Quốc hội thông qua”.

Trước đó, Bộ Tài chính muốn đưa ra lộ trình giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm góp phần giảm giá xe, thúc đẩy thị trường và giúp người dân có thu nhập khá, trung bình khá mua được xe ô tô.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế diễn ra chiều 13-11, nhiều đại biểu đã đề nghị cân nhắc việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô. Nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe dưới chín chỗ bởi có thể sẽ “bóp chết” ngành ô tô nội và khiến tiêu dùng bùng nổ trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế.

Đại biểu cũng đề nghị không nên chia nhỏ để áp thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ô tô có dung tích xylanh từ 1.500 cm3 trở xuống và dòng xe có dung tích xylanh trên 3.000 cm3 và đề nghị áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thống nhất đối với dòng xe này.

Hiện tại, so với chín nước ASEAN thì mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô từ chín chỗ trở xuống có dung tích xylanh dưới 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45% cao hơn so với mức trung bình của bốn nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Trong đó, Thái Lan và Indonesia là hai nước có nền công nghiệp ô tô tương đối phát triển.

Thêm “trợ lực” cho nhà sản xuất trong nước

Trong một động thái khác, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề xuất giảm thuế nhập khẩu với linh kiện, phụ tùng ô tô trong đó nhiều dòng hàng có thể sẽ về 0% từ năm 2016. 

Cụ thể, với xe con có dung tích động cơ dưới 2.000 cm3, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế với bảy mặt hàng trong nhóm động cơ và các bộ phận như hộp số, cụm bánh xe, bật lửa điện. Thuế nhập động cơ ôtô từ Hàn Quốc giảm từ 20% xuống 3% vào năm 2016, ngang với mức cam kết trong FTA. Hiện giá trị tổng nhập khẩu động cơ từ thế giới là 65 triệu USD, trong đó các đối tác chính từ ASEAN chiếm 46%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc chiếm 16%.

Hộp số, cụm bánh xe sẽ sớm được giảm thuế xuống 5% từ năm sau thay vì chỉ giảm dần xuống 12%-20% như kế hoạch trước đó. Tương tự với bật lửa điện, Bộ Tài chính cũng được đề xuất đẩy nhanh lộ trình giảm về đưa về 0% từ năm 2016.

Với xe tải, cơ quan này cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu ba mặt hàng hộp số và phụ kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản bằng mức cam kết trong ASEAN là 0% ngay từ năm 2016. Trong khi đó, thuế từ Trung Quốc đến năm 2018 mới giảm về 0%.

Bộ Tài chính cho rằng theo lộ trình hội nhập, từ năm 2018 thuế suất ô tô nguyên chiếc trong khối ASEAN sẽ về 0% và đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, do thực hiện cắt giảm thuế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên thuế nhập khẩu với một số loại xe nguyên chiếc còn bất cập, có thể bằng hoặc thấp hơn linh kiện, phụ tùng, chưa thực sự khuyến khích sản xuất, ráp lắp trong nước.

Đánh giá về tác động của những đề xuất này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh thuế có tác động tích cực tới việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Theo đó, ngành sản xuất lắp ráp được định hướng chuyển sang nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ các đối tác công nghệ cao, tạo động lực đột phá cho ngành sản xuất trong nước.

Theo Dân Trí

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới