Phương án nào cho những kỳ thi tuyển sinh riêng?

Năm 2021, với định hướng tự chủ, các trường ĐH, CĐ tiếp tục duy trì nhiều phương thức tuyển sinh đầu vào. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) vẫn được nhiều cơ sở ĐH cân nhắc tiếp tục tổ chức để tuyển sinh riêng. Tổng chỉ tiêu cho phương thức này dao động 10%-70%, tùy từng trường. 
Dự kiến mở hai đợt thi đánh giá năng lực
Những năm gần đây, bên cạnh kỳ thi THPT quốc gia hay kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020, hàng loạt cơ sở ĐH đã khai sinh thêm các kỳ thi tuyển sinh riêng để làm căn cứ xét tuyển cho phù hợp. 
Trong số các đơn vị tổ chức thi riêng, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM là kỳ thi thu hút đông thí sinh (TS) nhất và đã duy trì được ba năm qua. 
Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2021, dù chưa công bố kế hoạch chính thức nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi này trên cơ sở giữ ổn định như các năm trước đó.
Cụ thể, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm 2021, ĐH này sẽ vẫn tổ chức hai đợt thi. Đợt 1 vào ngày 28-3 và đợt 2 dự kiến vào đầu tháng 7 (tùy thuộc thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT). 

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong đợt tuyển sinh năm 2020 vừa qua. Ảnh: PHẠM ANH

Về đề thi, theo Tiến sĩ Chính, cấu trúc đề thi vẫn giữ ổn định như trước. Bài thi dưới hình thức trắc nghiệm với 120 câu, gồm các phần ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; giải quyết vấn đề (liên quan đến lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa và sử).
Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm. Tuy nhiên, ngân hàng câu hỏi sẽ tiếp tục được cập nhật, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế để làm sao đánh giá được năng lực người học. Kết quả thi sẽ là căn cứ xét tuyển khách quan và chính xác cho các đơn vị sử dụng. 
Về địa điểm thi, kỳ thi tiếp tục duy trì tại các điểm thi ở TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Dự kiến sẽ tổ chức thêm điểm thi tại Tây Nguyên để thuận lợi cho việc đi lại của TS.
Trước thông tin này, nhiều trường ĐH đã lên phương án xét tuyển dự kiến cho năm 2021. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa quyết định sẽ dành 30%-70% chỉ tiêu xét tuyển ĐH chính quy cho phương thức này. 
Các trường như ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM… cũng tiếp tục dành 10%-15% tổng chỉ tiêu để xét điểm thi ĐGNL. 
Khuyến khích thi riêng theo nhóm trường
Ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2021, nhiều cơ sở ĐH khác trên cả nước cũng dự kiến khởi động lại hoặc muốn mở kỳ thi riêng sau một năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Như ĐH Quốc gia Hà Nội, dù chưa chốt phương án dự kiến nhưng ĐH này cũng đang bàn thảo việc sẽ tổ chức thi ĐGNL trở lại để tuyển sinh đầu vào cho năm tới. Tức với kỳ thi này, TS sẽ thi các bài gồm toán (90 phút), bài viết tự luận (60 phút), ngoại ngữ (60 phút) và bài khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội (60 phút).
Hay như ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến ngoài xét tuyển thẳng và sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh độc lập.
Theo đó, dự kiến ngoài đánh giá tư duy trên cơ sở bài thi đọc hiểu và bài thi toán có phần tự luận như năm 2020, trường sẽ thêm tổ hợp môn khoa học tự nhiên để TS có sự lựa chọn.
Trường ĐH Việt Đức cũng dự kiến sẽ tuyển 460 chỉ tiêu cho bảy ngành. Trong đó, trường dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển những TS tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Kỳ thi sẽ diễn ra vào tháng 5-2021. Bài thi gồm hai phần là kiểm tra kiến thức cơ bản (110 phút) và kiến thức khối chuyên ngành (145-150 phút).
Tại TP.HCM, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đang lên kế hoạch mở lại kỳ thi riêng của trường. TS sẽ dự thi hai môn bắt buộc gồm toán, logic và bài tự chọn là một trong bốn môn: tiếng Anh, lý, hóa và sinh.•

Khuyến khích liên kết hoặc tổ chức trung tâm khảo thí độc lập 

Về vấn đề tuyển sinh riêng này, tại hội nghị trực tuyến về giáo dục ĐH do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tiếp tục thực hiện quyền tự chủ như sử dụng nhiều phương thức xét tuyển.

Trong đó, với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của TS, Thứ trưởng Sơn khuyến khích hình thức liên kết hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập. Khi đó, các trường thống nhất kết hợp thành nhóm, tổ chức bài thi ĐGNL gọn nhẹ, kết quả được sử dụng cho công tác tuyển sinh của nhiều trường. 
Tuy nhiên, các trường nên giữ ổn định trong nhiều năm. Nếu có thay đổi lớn, trường cần thông báo trước 2-3 năm.

Ngoài ra, để giảm tỉ lệ TS ảo khi các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung để thuận lợi cho cả TS lẫn nhà trường hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới