Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Tố tụng hình sự cũng ghi nhận quyền khai báo của nghi can, bị can, bị cáo. Họ có quyền trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa, tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan tố tụng có nhiệm vụ đảm bảo cho họ thực hiện quyền bào chữa theo quy định.
Trường hợp họ không khai báo thì tòa phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Tại cơ quan điều tra, Phương Nga đã không sử dụng quyền khai báo. Tại tòa, Phương Nga cũng im lặng luôn. Tuy vậy, HĐXX vẫn có thể căn cứ vào hồ sơ và các chứng cứ được thu thập hợp pháp để xem xét, quyết định.
Tòa là nơi công khai tất cả để HĐXX có cơ sở đánh giá chứng cứ và xem xét đưa ra phán quyết, nếu Phương Nga không sử dụng quyền khai báo thì cô sẽ không nói lên được tất cả quan điểm, suy nghĩ, cũng như không đưa ra được các chứng cứ chống lại quan điểm buộc tội.
Nếu Phương Nga bảo lưu những gì đã trình bày tại phiên tòa trước thì cũng phải nhắc lại phiên tòa trước cô đã trình bày những gì. Bởi chứng cứ phải khách quan, toàn diện, được điều tra xác minh, xác lập từ một phiên tòa xét xử liên tục. HĐXX không thể sử dụng lại nội dung trình bày tại phiên tòa trước để xác lập chứng cứ tại phiên tòa này, bởi làm vậy là vi phạm tố tụng. Phiên tòa trước đã hoãn, coi như không có giá trị liên kết với phiên tòa hiện tại.
Phiên tòa là diễn đàn công khai, cọ xát các vấn đề giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Bị cáo cần trình bày để xem sự việc có đúng như cáo buộc hay không. Quyền khai báo vừa là quyền vừa là quyền lợi, bởi lời khai sẽ giúp việc tranh tụng được rõ ràng bằng lời nói và chứng cứ, bị cáo vừa tự bảo vệ được mình, còn luật sư cũng có căn cứ để đưa ra luận cứ bào chữa, gỡ tội.
Ví dụ với những lần đi nước ngoài, trong khi người bị hại cho rằng đi việc riêng, không liên quan đến Phương Nga, cũng không ở chung với Phương Nga thì Phương Nga có thể trình bày để chứng minh người bị hại nói đúng hay không.
Tại TAND TP.HCM từng có ít nhất ba trường hợp không sử dụng quyền khai báo như Phương Nga. Thậm chí có người khi được hỏi về nhân thân cũng không trả lời mà lại nói: “Các ông đưa được tôi ra tòa thì phải biết tôi là ai”.
VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM