Khi phòng khám giao đứa bé có làm biên bản, có hai người làm chứng ký tên. Sau khi nhận đứa bé về nuôi, tôi có đến UBND xã Vĩnh Lộc B để đăng ký khai sinh cho bé. Xã đã làm thủ tục giao đứa trẻ cho vợ chồng tôi nuôi và thông báo trên truyền thông đại chúng để tìm mẹ đứa bé. Sau một tháng rao tin mà không có ai đến nhận bé, UBND xã Vĩnh Lộc B hướng dẫn tôi về UBND phường Bình Hưng Hòa B - nơi tôi cư trú để làm thủ tục đăng ký khai sinh và đăng ký nhận con nuôi.
Tôi liên hệ với UBND phường Bình Hưng Hòa B nhưng nơi đây không làm mà hướng dẫn tôi ngược về xã. Tôi về xã, xã lại hướng dẫn tôi làm phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, do lúc đó hai vợ chồng tôi có hộ khẩu thường trú ở Khánh Hòa nên không có điều kiện về quê làm. Vừa rồi, tôi đã nhập được hộ khẩu ở TP.HCM, làm xong phiếu lý lịch tư pháp và tôi đã liên hệ đến UBND phường Bình Hưng Hòa B để tiếp tục làm thủ tục nhận con nuôi. Tuy nhiên, cán bộ ở phường này từ chối vì phải xin ý kiến chỉ đạo cấp trên. Vậy giờ tôi phải làm sao?
Bà Phan Thị HL (Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM)
Ông TRƯƠNG HỮU KHẢI, cán bộ tư pháp phường Bình Hưng Hòa B, trả lời: Sau khi xem xét hồ sơ của bà L., chúng tôi thấy biên bản giao trẻ bị bỏ rơi cho người nhận nuôi hộ được lập từ năm 2011 mà đến nay bà mới đến liên hệ đăng ký khai sinh. Vì thế phường phải đi xác minh và hỏi ý kiến cấp trên. Bây giờ bà L. có thể liên hệ lại với phường để làm khai sinh cho đứa bé. Sau khi có giấy khai sinh thì phường sẽ tiếp tục làm thủ tục nhận con nuôi.
Thủ tục nhận con nuôi gồm các giấy tờ sau: Hồ sơ nhận con nuôi cần phải có đơn nhận con nuôi (theo mẫu), CMND và hộ khẩu, phiếu lý lịch tư pháp của vợ chồng người nhận con nuôi, giấy đăng ký kết hôn, giấy khám sức khỏe từ cấp huyện trở lên của hai vợ chồng, văn bản xác nhận tình trạng nhà ở, thu nhập. Hồ sơ của đứa bé gồm: giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe, hộ khẩu (nếu có).