Cho dâu, rể thừa kế: Khó khả thi

Điểm mới của dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, bổ sung lần này là con dâu, con rể có thể được thừa kế di sản của cha mẹ chồng, cha mẹ vợ.

Quy định nhân văn

Trong mắt họ hàng nhà chồng, chị Q. là con dâu hiếu thảo, mẫu mực. Chị lấy chồng, ở nhà làm nội trợ, nuôi con và chăm sóc mẹ chồng bị tai biến. 20 năm sau thì cha mẹ chồng qua đời. Cũng lúc này, người chồng làm thủ tục ly hôn. Chị ôm một đứa con ra đi trắng tay vì tiếng là cha mẹ chồng giàu nhưng chị không được hưởng chút tài sản nào trong đó cả.

Bà Lê Thị Minh Hoa, chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài 1088, cho biết sau những lần tư vấn những ca như vậy, bà đã tâm tư không biết cách nào để đòi công bằng cho những phụ nữ như chị Q. “Những vùng ngoại thành và nông thôn, con rể đóng góp cho gia đình bên vợ thì ít thấy chứ con dâu góp công, góp của cho gia đình chồng nhiều, khó kể hết. Tôi còn biết có người không có con, cứ ở vậy lo cho gia đình chồng. Đến khi gãy gánh giữa đường thì không một đồng giắt túi. Hiếm có cha mẹ chồng nào để lại di chúc cho con dâu, mà có để thì anh em họ hàng cũng xào xáo nhau, khó mà yên thân được” - bà Minh Hoa nói.

Khi biết nội dung trên được dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập đến, bà Minh Hoa và các chuyên gia tư vấn tâm lý thoạt đầu rất phấn khởi vì tính nhân văn của dự luật. Tuy nhiên, bà Hoa lo điều đó khó khả thi.

Cho dâu, rể thừa kế: Khó khả thi ảnh 1

Đưa dâu, rể vào diện được thừa kế theo luật sẽ khó khả thi. Trong ảnh: Khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng. HTD

Khó chứng minh đã hiếu thảo

Trong buổi góp ý dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình mới đây, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng không nên quy định quyền thừa kế trong mối quan hệ con dâu, con rể vì trái với đạo luật gốc là Bộ luật Dân sự. Theo bộ luật này, việc thừa kế giữa cha mẹ với con ruột, con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Con dâu, con rể không thuộc đối tượng được hưởng thừa kế.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng nếu thay đổi cả hệ thống quan điểm pháp luật về thừa kế mà không vướng víu gì thì cũng nên nhưng đằng này sự thay đổi sẽ gây rất nhiều rắc rối, thậm chí gây rối loạn xã hội.

“Trong trường hợp con dâu, con rể và bố mẹ chồng, bố mẹ vợ cùng sống chung đã thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như cha mẹ và con thì được thừa kế di sản của nhau” - Trích Điều 46b dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình

“Ai sẽ là người làm chứng rằng con dâu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giữa con cái đối với cha mẹ chồng, đã yêu thương, tôn trọng cha mẹ chồng như cha mẹ ruột? Chứng cứ để nói rằng dâu, rể đã coi người kia như cha mẹ ruột là gì? Nhiều khi dâu, rể đó không hiếu thảo nhưng giả bộ tỏ vẻ hiếu thảo thì sao? Làm sao chứng minh dâu nào hiếu thảo hơn rể nào?... Luật đã cho phép công dân muốn để di chúc cho ai thì để rồi, không nên thêm dâu, rể vào để chia thừa kế theo luật nữa. Người chết thì khỏe rồi nhưng người sống sẽ mang khổ, anh em có thể đánh nhau bể đầu sứt trán vì điều luật này chứ chẳng chơi!” - ThS Trần Tuấn Duy, giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM, phân tích.

TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình Trường ĐH Luật TP.HCM, đề nghị bỏ hẳn nội dung này trong dự thảo vì nhiều lý do. Một là truyền thống xây dựng pháp luật dân sự thì chuyện thừa kế chỉ có với những người có quan hệ huyết thống với nhau, trừ trường hợp con riêng của vợ chồng sống chung với cha kế, mẹ kế… Thứ hai là việc chia thừa kế cho những người cùng huyết thống hiện nay đã phức tạp trần ai rồi, giờ lại thêm dâu, rể vào thì rất khó. Trong khi đó, khi chia thừa kế thì người dâu, rể đó cũng đã được hưởng phần qua việc chồng, vợ của mình được chia tài sản thừa kế rồi.

Phó Chánh án TAND quận 2 Nguyễn Hữu Muôn cũng lo ngại: “Nội dung thừa kế theo luật cho các thành viên trong gia đình giờ đã phức tạp quá rồi, không nên đưa dâu, rể vào nữa gây khó cho việc xét xử của tòa. Theo pháp luật dân sự thì quyền và nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Nếu một người con dâu muốn được chia thừa kế vì đã hết mực làm tròn nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc cha mẹ chồng thì họ phải chứng minh điều đó. Việc chứng minh này không dễ. Đó là chưa kể các đương sự đối phó với nhau gây khó khăn cho tòa, các con trong gia đình vì không muốn con dâu được chia thừa kế sẽ tìm cách đối phó gây khó khăn cho người dâu…”.

Dâu, rể sống chung, chăm sóc lúc ốm đau tuổi già cho cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì luật nên có quy định trích một phần tài sản của những bậc cha mẹ ấy để cho dâu, rể gọi là công sức nuôi dưỡng sẽ hợp lý hơn, vừa nhân văn, vừa khả thi.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình Trường ĐH Luật TP.HCM

Nếu đưa dâu, rể vào hàng thừa kế theo luật thì phải xác định rõ những tiêu chí nào được xem là đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cha mẹ: Đóng góp công sức vào gia đình như thế nào, thái độ tình cảm đối với gia đình ra sao, những trường hợp không ở chung nhưng có đóng góp tiền bạc thường xuyên và có tôn kính cha mẹ thì có được không?...

Bà LÊ THANH XUÂN,Phó ban Chính sách luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm