Xã cấm chó

Xã cấm chó ảnh 1

Hơn 40 năm nay xã Diễn Nguyên không nuôi chó - Ảnh: Vũ Toàn

Khách ở xa đến xã Diễn Nguyên đều ngạc nhiên khi biết chuyện lạ này, còn người dân ở địa phương rất e ngại khi nhắc tới chuyện nuôi chó. Chị H. ở đội 1, xã Diễn Nguyên thổ lộ: “Từ khi về làm dâu đến nay đã hơn 30 năm nhưng tôi không thấy nhà ai nuôi chó. Con tôi lớn lên không biết chó là gì nên bây giờ hễ ai nhắc đến chuyện nuôi chó là... kinh lắm. Nếu xã nghe tiếng chó sủa, phát hiện nhà ai nuôi chó thì ngay lập tức cán bộ tư pháp đến phạt lúa, không có lúa thì phạt 100.000 đồng. Vì vậy dân ngại không dám nuôi chó”.

Anh Ng. ở đội 4 cũng bộc bạch: “Mặc dù xã cấm nhưng vẫn có vài nhà hào hứng với việc nuôi chó nên họ tìm cách nuôi trộm. Sau khi mua chó về họ phải nhốt trong xó bếp rồi huấn luyện chó không được sủa. Khổ nỗi không ai có nghề huấn luyện nên rốt cuộc chó vẫn sủa. Hễ nghe chó sủa là xã đến cảnh cáo. Dân phải chống chế bằng lý do mua chó về làm thịt. Hôm sau xã đến vẫn thấy chó thì bị phạt ngay”. Anh Ng. cho biết thêm nếu nhà nào muốn có một bữa khoái khẩu bằng thịt chó thì phải sang làng khác mua, rồi nhờ nhà dân bên đó làm thịt xong mới dám đem về nấu.

“Khi người dân đang ngồi uống chè hoặc đang cày ruộng hay làm một việc gì đó, nếu thấy chó của xã khác chạy sang xã mình là tất cả đều bỏ việc để rượt đuổi và đập chết con chó. Những người này được quyền làm thịt con chó nhưng làng có chó bị đập chết không dám kiện. Lý do: Diễn Nguyên là vùng cấm nuôi chó”.

Ông TĂNG NGỌC THÀNH
(cán bộ tư pháp xã Diễn Nguyên)

Trên đường vào xóm 7 tôi gặp cụ Nguyễn Trung Đô, 87 tuổi. Hỏi chuyện xã cấm nuôi chó, cụ cười: “Nhiều đoàn khách trung ương về đây thấy lạ nên cũng hỏi chuyện này. Khi nghe kể chuyện cấm nuôi chó ai cũng bật cười vì chuyện thật mà như bịa, bởi trong suy nghĩ của người dân nước ta con chó là vật nuôi trong nhà, vốn gần gũi không chỉ với người nông dân”.

Một người khác ở xóm 5 khi nghe tôi hỏi chuyện xã cấm nuôi chó thì không trả lời mà hỏi lại tôi: “Mới đây tôi đọc báo được biết ở Hà Nội có một khách sạn sang trọng nhưng không phải để phục vụ khách mà dành nuôi giữ chó mèo. Đó là “khách sạn chó mèo” của giám đốc Bảo Sinh.

Họ đối xử với con chó như thế mà làng tôi thì ngược lại. Pháp luật có cấm nuôi chó đâu sao xã lại cấm dân nuôi. Trước đây xã Diễn Thái (cạnh xã Diễn Nguyên) cũng cấm nuôi chó nhưng do người dân phản ứng nên nay họ đã cho dân được nuôi chó rồi”.

Hôm ấy, lãnh đạo xã Diễn Nguyên đi vắng, chỉ một mình anh Đào Quang Phúc - chủ tịch Mặt trận Tổ quốc - ở nhiệm sở. Trao đổi về chuyện cấm nuôi chó, anh Phúc giải thích: “Các cụ trong làng kể lại năm 1959 xã này xảy ra vụ một người dân bị chó dại cắn rồi phát bệnh và chết. Dạo ấy chưa có văcxin và phong trào tiêm văcxin phòng chó dại nên mỗi năm có vài người chết do chó dại cắn. Mặt khác, đường làng ngõ xóm đã bêtông hóa nhưng hẹp, nếu nuôi chó sẽ rất bẩn mỗi khi chó phóng uế bừa bãi ra đường. Đây là hai lý do xã đưa vào hương ước về việc không nuôi chó từ hơn 40 năm nay, được đa số người dân trong bảy xóm chấp hành rất nghiêm túc”.

- Vậy có hay không vì hiện nay một số người dân cho rằng xã không nên cấm nuôi chó?

- Gần đây, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thấy có một số ý kiến đề nghị xã nên cho dân nuôi chó để chống trộm cắp và tăng thêm nguồn thu từ thực phẩm, vì nuôi chó vốn ít lại dễ nuôi hơn những gia súc khác. Mặt trận đã tổng hợp những ý kiến này báo cáo hội đồng xã, nhưng do chỉ có khoảng 20% số dân muốn nuôi chó nên hội đồng ra nghị quyết thông báo trên loa phóng thanh cho toàn dân biết về việc xã vẫn thực hiện hương ước cũ đối với việc cấm nuôi chó.

Theo VŨ TOÀN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm