Từ sau kỳ họp Quốc hội thứ 4, tháng 11-2022đến nay, cử tri cả nước đã có nhiều kiến nghị gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong đó có ý kiến từ cử tri TP.HCM cho rằng các ngân hàng thương mại cần có trách nhiệm trongviệc mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mà họ đã môi giới bán cho nhà đầu tư.
Trong văn bản trả lời tuần trước, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã giải thích về vấn đề này, trên cơ sở pháp luật hiện hành. Theo đó, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.
Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành thì có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, theo nghị định mới nhất sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 của Chính phủ.
Phải mua lại nếu có cam kết, hợp đồng
Trong trường hợp ngân hàng làm đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành thì việc mua lại thực hiện theo cam kết này. Nhưng ngay cả như vậy, việc mua lại phải tuân thủ các quy định về mua, bán TPDN và đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện các cam kết này.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết các ngân hàng được quyền tự chủ kinh doanh trong phạm vi hoạt động được cấp phép và tuân thủ quy định của pháp luật. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải công khai, minh bạch khi tư vấn sản phẩm cho khách hàng, tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, đảm bảo quyền lợi của người dân khi gửi tiền.
NHNN cũng chỉ đạo ngân hàng chỉ được cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN theo đúng giấy phép NHNN đã cấp và theo đúng quy định của pháp luật có liên quan. Ngân hàng phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, không cung cấp thông tin sai sự thật, dễ hiểu lầm về TPDN; không để xảy ra trường hợp nhân viên cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, dễ gây hiểu lầm để đạt chỉ tiêu kinh doanh.
Đối với hoạt động đầu tư TPDN của chính các ngân hàng, vừa qua, NHNN đã thanh tra đột xuất và ban hành kết luận thanh tra về hoạt động đầu tư TPDN tại 11 ngân hàng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, NHNN đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý có liên quan góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động (nếu có), đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư TPDN.
Thống đốc cho biết NHNN sẽ tiếp tục nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của ngân hàng khi đầu tư, nắm giữ TPDN nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư TPDN, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng nhằm phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật.
Báo cáo của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM cũng đề cập tới những bức xúc của người dân về việc bị ép mua bảo hiểm khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Theo đó, bà Hồng nói rõ nguyên tắc là với các sản phẩm bảo hiểm, các ngân hàng không được tự ý kê khai thông tin khi chưa được khách hàng đồng ý. Nghiêm cấm hành vi “bắt buộc” khách hàng mua bảo hiểm và đặc biệt lưu ý nhân viên ngân hàng các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.