Ngày 2-8, TAND TP Hà Nội hoãn phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Văn Hùng, Nguyễn Xuân Thông, Đoàn Huy Tuấn (cùng ở Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức "chạy án", xin việc…
Nguyên nhân là do luật sư bào chữa cho bị cáo trùng lịch phiên tòa.
Các bị cáo Đặng Văn Hùng (đứng), Nguyễn Xuân Thông tại phiên tòa. Ảnh: CTV |
Hứa hẹn chạy tại ngoại cho đối tượng người nước ngoài
Theo cáo buộc, sáng 10-6-2022, tổ công tác Đội Cảnh sát tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bắt quả tang Nguyễn Xuân Thông có hành vi nhận 50 triệu đồng của chị Phùng Thị H.
Quá trình điều tra làm rõ: Cuối tháng 5-2022, Công an quận Hai Bà Trưng bắt quả tang Zhu Xi Wu, chồng chị H có hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu. Thông qua người quen, chị H liên hệ với Thông để nhờ giúp Wu không bị xử lý pháp luật. Thông khoe bản thân có nhiều mối quan hệ trong ngành công an, có thể giúp Wu được tại ngoại và hưởng án treo.
Sau đó, Thông liên hệ với Hùng (cựu Đại úy, Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để tìm cách giúp Wu. Hùng tham khảo nhiều người và tìm đến Đoàn Huy Tuấn (cựu cán bộ công an). Tuấn đồng ý giúp nhưng không đưa ra mức chi phí cụ thể.
Dù vậy, Hùng thông báo với Thông về việc có thể lo cho Wu tại ngoại và hưởng án treo với phí 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, chị H có trình bày hoàn cảnh khó khăn, xin giảm giá còn 1 tỉ đồng và được Hùng đồng ý.
Đến ngày 7-6-2022, Tuấn nhắn tin cho Hùng báo chỉ có thể giúp Wu được giảm nhẹ án mà không được bảo lĩnh tại ngoại. Hùng biết vậy nhưng vẫn yêu cầu chị H chuyển tiền.
Do không được thông báo rõ tình hình nên chị H vẫn chuyển 700 triệu đồng.
Đến chiều 10-6-2022, biết tin Thông bị bắt vì liên quan hành vi nhận tiền của chị H nên Hùng báo ngay cho Tuấn nhờ giúp Hùng và Thông không bị xử lý. Thấy sự việc bị bại lộ, Hùng vay mượn tiền để trả lại 700 triệu đồng.
Hai lần mất tiền khi đòi tiền bị lừa đảo
Mở rộng điều tra vụ án, công an còn xác định các bị cáo còn đưa ra thông tin gian dối để "chạy án", xin việc, xin đi học cho các bị hại để chiếm đoạt hàng tỉ đồng.
Trong đó, nạn nhân Nguyễn Tiến T (ở Lào Cai) bị thiệt hại 1 tỉ đồng. Anh T nhờ Hùng xin cho con gái vào công tác trong ngành công an, chi phí 1 tỉ đồng.
Sau khi chuyển tiền cho Hùng, con gái anh T nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 tại Công an tỉnh Lào Cai. Nhưng quá trình khám sức khỏe, con gái anh T không đủ điều kiện về chiều cao nên không đạt kỳ sơ tuyển. Hùng vẫn cam kết sẽ thực hiện lời hứa. Song thực chất bị cáo sử dụng tiền chi tiêu cá nhân.
Còn chị Trần Thị Hồng T (ở Hà Nội) hai lần là nạn nhân lừa đảo. Đầu tiên, chị T là nạn nhân trong vụ án Trần Thị Nhật Lệ (ở Phú Thọ) lừa đảo chiếm đoạt 7,5 tỉ đồng.
Khi thấy Lệ bị bắt, chị T lo lắng nên tìm cách để đòi lại tiền. Vì tin tưởng Hùng đang công tác ở Bộ Công an, chị T đã chấp nhận chuyển trước cho Hùng 300 triệu đồng để Hùng đi “ngoại giao” nhằm tác động đến cơ quan công an và đối tượng Lệ để hoàn trả số tiền 7,5 tỉ đồng cho chị T.
Kỳ thực, Hùng dùng số tiền trên để trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Cơ quan tố tụng xác định, từ cuối năm 2021 đến tháng 11-2022, Hùng đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt hơn 4,2 tỉ đồng của 7 bị hại. Hiện gia đình bị cáo đã khắc phục 2,25 tỉ đồng.
Còn Nguyễn Xuân Thông giúp sức cho Hùng chiếm đoạt tiền của 4 bị hại số tiền 2,7 tỉ đồng; Đoàn Huy Tuấn giúp sức cho Hùng chiếm đoạt 300 triệu đồng.