Ngày 19-9, UBND tỉnh Ninh Thuận có công văn yêu cầu Sở Y tế tăng cường công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trưa 15-9, một nhóm người ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận ra biển đánh bắt được một con cá nóc mú khoảng một kg cùng một số hải sản khác.
Nhóm người trên mang cá đến rẫy nhà ông T. ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nấu canh chua ăn cơm trưa và uống rượu. Trong lúc ăn uống, ông HVC (34 tuổi) ăn thịt, gan cá nóc mú nhiều hơn những người còn lại.
Đến khoảng 13 giờ 20 cùng ngày, ba người có triệu chứng ngộ độc như tê lưỡi, miệng, tay chân, nôn. Những người này được đưa đến trạm y tế xã Cà Ná để sơ cứu rồi được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam.
Sau đó, các bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Bệnh viện đã thực hiện các xét nghiệm, theo dõi tại phòng hồi sức của khoa Nội tổng hợp.
Đến khoảng 1 giờ 30 ngày 16-9, bệnh nhân C. có dấu hiệu hôn mê, nổi vân tím, huyết áp không đo được. Các bác sĩ hội chẩn tình trạng bệnh nhân, tiên lượng tử vong. Người nhà đã xin đưa bệnh nhân về để lo hậu sự. Riêng hai bệnh nhân còn lại tương đối ổn định, tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm trên. Đồng thời, phối hợp với sở ngành, địa phương khẩn trương tham mưu văn bản tiếp tục chỉ đạo toàn diện, sâu sát, chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả về tăng cường công tác an toàn thực phẩm.
Đặc biệt là các giải pháp nâng cao nhận thức, tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở người dân tuyệt đối không ăn cá nóc, các loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm độc.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin (TTX), tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá.
Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ 1-2 mg độc tố có thể gây chết người.
Độc tố TTX cũng có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong sáu giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá hủy hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên làm các sản phẩm từ cá nóc đem bán, không nên ăn khi không biết rõ nguồn gốc và không nắm rõ cách chế biến loại cá có độc này. Khi ăn phải cá nóc, nếu xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.