Ngày 26-9, Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban đã tổ chức cuộc họp nghe, cho ý kiến về dự thảo phương án tổng thể sắp xếp do Tổ giúp việc đề xuất.
Bà Rịa-Vũng Tàu có vị trí rất đặc biệt, là cửa ngõ ra biển Đông của khu vực Đông Nam Bộ. Năm 1991, Quốc hội ban hành quyết định thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và 3 huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc (khi đó thuộc tỉnh Đồng Nai). Đồng thời thành lập TP Vũng Tàu và huyện Côn Đảo trên cơ sở đặc khu vừa giải thể…
Sau 32 năm thành lập và phát triển, đến nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích tự nhiên hơn 1.982 km2, với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Côn Đảo, 1 thị xã là Thị xã Phú Mỹ và 2 thành phố là Vũng Tàu và Bà Rịa. Tỉnh có 82 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường, 6 thị trấn và 47 xã; dân số thường trú là hơn 1,2 triệu người, dân số tạm trú quy đổi là 15.550 người.
Theo dự thảo, căn cứ các tiêu chí đưa ra tại Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trong số 8 đơn vị hành chính cấp huyện, TP Vũng Tàu không thuộc diện sắp xếp.
Cũng đối chiếu Nghị quyết 35 thì trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 4 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp; 2 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp.
Giai đoạn 2026-2030, dự kiến tỉnh có 1 đơn vị hành chính cấp huyện; 2 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp.
Trên cơ sở này, ở các giai đoạn, dự kiến có những phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và các phương án sắp xếp ở cấp xã cụ thể được đưa ra để các thành viên Ban chỉ đạo, các địa phương trao đổi, cho ý kiến.
Các ý kiến đều đồng tình với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã. Qua đó đánh giá từng mặt ưu, khuyết điểm của các phương án dự kiến sắp xếp. Trong đó nhấn mạnh việc sắp xếp cần tránh tác động, gây xáo trộn đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; đánh giá toàn diện trên nhiều mặt về văn hóa, lịch sử, tập quán, giao thông, điều kiện kinh tế, địa giới hành chính và phải mang tính khả thi cao…
Các phương án bố trí cấp huyện thì cần có phương án ở cấp xã ở từng giai đoạn; Có phương án bố trí trụ sở làm việc, nhân sự hợp lý; Việc thay đổi tên sau sắp xếp làm theo đúng quy trình. Ngoài ra, các phương án cũng lưu ý cập nhật nội dung trong quy hoạch chung của tỉnh và các địa phương...
Sau khi nghe ý kiến các đại biểu dự họp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng ban chỉ đạo đề nghị lưu ý những vấn đề đã đặt ra, hoàn thiện phương án, tờ trình để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp xem xét, quyết định.