Theo kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc có hành vi phạm vào các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ.
Đã giải ngân hơn 1 triệu tỉ đồng
Bà Lan bị quy kết phải chịu trách nhiệm về 304.000 tỉ đồng chiếm đoạt, 129.000 tỉ đồng gây thiệt hại từ hành vi tham ô tài sản và 64.000 tỉ đồng gây thiệt hại từ hành vi vi phạm quy định cho vay.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy lũy kế 10 năm (2012-2022) hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã được Ngân hàng SCB cho vay đến hơn 1 triệu tỉ đồng.
Trong thời kỳ bà Trương Mỹ Lan thao túng, từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, Ngân hàng SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (gồm: 710 cá nhân, 656 tổ chức).
Trong đó, trong đó liên quan đến trách nhiệm của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm là 2.527 khoản vay (gồm 1.057 khoản vay khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng.
Theo thời gian, một phần các khoản nợ này đã được tất toán. CQĐT xác định đến ngày 17-10-2022, liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát còn 875 khách hàng (440 cá nhân, 435 tổ chức) vay 1.284 khoản với dư nợ 677.000 tỉ đồng, gồm 483.000 tỉ đồng nợ gốc và 193.000 tỉ đồng nợ lãi, phí.
Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi. Dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, Ngân hàng SCB giải ngân cho 304 khách hàng nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 368 khoản vay.
Đến ngày 17-10-2022 còn dư nợ tổng số tiền 132.247 tỉ đồng, gồm 68.305 tỉ đồng nợ gốc, 63.942 tỉ đồng nợ lãi.
Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, Ngân hàng SCB giải ngân cho 571 khách hàng nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với 916 khoản vay. Đến ngày 17-10-2022, còn dư nợ tổng số tiền 545.039 tỉ đồng, gồm 415.667 tỷ đồng nợ gốc và 129.372 tỷ đồng nợ lãi.
Trên cơ sở kết quả điều tra về số tiền 483.971 tỉ đồng trên 1.284 khoản vay được giải ngân cho 875 khách hàng thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát còn dư nợ tại Ngân hàng SCB, CQĐT kết luận, bà Trương Mỹ Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai hoạt động rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được hợp thức (vay khống).
Thâu tóm ngân hàng
Để nắm quyền chi phối tuyệt đối Ngân hàng SCB, từ trước năm 2012, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm ba ngân hàng gồm Ngân hàng Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Tín Nghĩa.
Năm 2012, 3 ngân hàng này hợp nhất thành Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Với tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu ban đầu 85% và sau này tăng lên 91%, bà Trương Mỹ Lan nắm quyền tuyệt đối ở Ngân hàng SCB.
Tiếp đó, bà Lan đưa nhiều người thân tín, được tin tưởng vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng như HĐQT, ban Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh lớn, Ban Kiểm soát… và trả lương cao từ 200-500 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, bà Trương Mỹ Lan thành lập hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 doanh nghiệp chia làm bốn nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm nhóm định chế tài chính, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty “ma’’ tại Việt Nam và cuối cùng là mạng lưới công ty tại nước ngoài.
Bà Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế’’ phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư. Bà Lan còn sử dụng danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Lan ở nước ngoài.
Đưa người thân tín nắm quyền, trả lương khủng 500 triệu đồng/tháng
Tiếp đó, bà Lan dùng quyền hạn của mình để chỉ đạo các cá nhân ở Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai hoạt động rút tiền dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống, lấy số tiền đặc biệt lớn phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.
Vì đều là các khoản vay khống, do vậy, khi không trả được nợ, bà Lan cùng các bị can tiếp tục tạo ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại ngày càng lớn.
Các hồ sơ cho vay này thực chất không phải là hồ sơ vay vốn quy định của pháp luật. Thực chất, trong các hồ sơ vay vốn, các pháp nhân, cá nhân đều do nhóm Vạn Thịnh Phát lập ra; phương án vay vốn khống vì tiền giải ngân không thực hiện đúng như phương án mà chỉ để phục vụ cho các mục đích của Trương Mỹ Lan.
Các tài sản đảm bảo đưa vào chỉ là phương thức thủ đoạn, vi phạm trình tự thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo, về giá trị và tính pháp lý, vi phạm các quy định... nhằm hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB.
Theo lời khai của ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát được ký hiệu đặc biệt “HSTT’’, viết tắt của Hội sở tiếp thị trên hệ thống Core Banking của ngân hàng.
Việc ký hiệu đặc biệt là để nhận diện khoản vay của Vạn Thịnh Phát và phục vụ yêu cầu theo dõi, thống kê, phê duyệt trái với quy định cho vay thông thường.