Ngày 27-11, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) có văn bản 2930 gửi Sở KH&ĐT TP.HCM để báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023.
Theo MAUR, tại mục a, khoản 2, điều 4 Nghị quyết số 98 nội dung về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD): "HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công lập, nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt..."
Cơ hội phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng
MAUR thông tin, tại buổi làm việc ngày 15-08, JICA (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đã đề nghị thành lập một nhóm công tác chung giữa TP.HCM và JICA để thảo luận nghiên cứu khả năng hợp tác đầu tư triển khai các dự án phát triển đô thị theo TOD.
Hiện nay, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương thúc đẩy hợp tác giữa TP và JICA trong lĩnh vực phát triển TOD thời gian sắp tới. Sự kết hợp này đã mở ra nhiều cơ hội để phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng.
Ngoài ra, MAUR cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP, đề xuất nhà ga có diện tích đất công xung quanh lớn để đưa vào kế hoạch. Đồng thời, kiến nghị UBND TP cho phép triển khai các dự án trong thời gian tới như ga Phước Long, ga Tân Cảng, ga Văn Thánh, ga Khu công nghệ cao…
Trước đó, 6-9-2023, MAUR cũng đã có buổi việc với cơ quan tái thiết đô thị (UR) và tư vấn Nippon Koei với các sở, ngành liên quan về việc nghiên cứu quy hoạch TOD khu vực nhà ga Phước Long.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chỉ đang ở những bước đầu tiên nên còn vướng mắc nhiều khó khăn như chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa phát triển đường sắt và phát triển đô thị. Những dự án này thường là dự án lớn nên công tác giải phóng mặt bằng tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, cần phải đa dạng hoá nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn cho xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và dự án TOD.
Triển khai các dự án ra sao
Trong quá trình thực hiện nghị quyết 98, MAUR đã phối hợp vận dụng sáng tạo các cơ chế, chỉ đạo tại Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, MAUR đã chủ động xây dựng và trình UBND TP.HCM chấp thuận đề cương Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (đề án)
Trong đề án, có năm lĩnh vực trọng yếu và cần được ưu tiên gấp rút nghiên cứu, thống nhất phương hướng hành động và xây dựng kế hoạch thực hiện. Cụ thể là quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; đa dạng nguồn lực tài chính: Ngân sách Nhà nước, giá trị gia tăng quỹ đất theo mô hình TOD, vay vốn, trái phiếu; rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp nguyên vật liệu, đầu tư thiết bị; xây dựng phương án mô hình tổ chức, quản lý, nhân lực.
UBND TP đã giao MAUR chủ trì, phối hợp với Tổ Công tác, xây dựng Đề án cập nhật, hoàn thiện chương trình. MAUR cũng kiến nghị UBND TP tiếp tục có những chỉ đạo, tạo điều kiện cho Tổ Công tác, xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị và MAUR trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án.