Ngày 4-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt Nghị quyết 42 về “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.
Việt Nam chọn mô hình chính sách xã hội toàn dân, toàn diện, công bằng
Về cách tiếp cận, Thủ tướng cho biết Nghị quyết 42 đã có sự điều chỉnh từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý và phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Thủ tướng dẫn các mô hình phát triển chính sách xã hội ở các nước hiện nay và cho biết, Việt Nam lựa chọn mô hình phù hợp với đất nước mình.
"Chúng ta chọn lấy ưu điểm các mô hình trên để đưa ra mô hình phù hợp với đất nước ta, một đất nước đang phát triển, một nền kinh tế đang chuyển đổi, tôn trọng các nguyên tắc thị trường với sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Đấy mới là lựa chọn khôn ngoan chứ không phải cái gì cũng bê vào..."- Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ phân tích, Việt Nam làm an sinh xã hội không như các nước phát triển.
"Các nước họ chi 1.000 - 2.000 USD và chuyển tài khoản là xong ngay. Nhưng ta là đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, nên làm an sinh xã hội rất cần thiết nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm"- Thủ tướng phân tích và cho biết, Việt Nam chọn mô hình chính sách xã hội toàn dân, toàn diện, công bằng.
"Càng nhiều văn bản hướng dẫn thì lại càng rối"
Thủ tướng cho hay, Nghị quyết 42 đã đưa ra bốn quan điểm lớn. Trong đó nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển.
Thủ tướng nói thêm, đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển và lưu ý, tại Nghị quyết 42, Trung ương Đảng nhấn mạnh việc đổi mới công tác quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền.
"Chính sách xã hội có những thứ Trung ương làm tới tận cấp xã làm sao mà nhanh được?"- Thủ tướng nêu vấn đề.
Ông cũng nêu thực tế việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua cho thấy, Trung ương phải ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn nhưng vẫn chậm.
Thủ tướng phân tích, nếu không phân cấp thì không thể tránh tình trạng có nhiều văn bản.
"Đáng lý việc đó của xã nhưng Trung ương phải làm thì phải có văn bản. Việc của huyện Trung ương cũng làm, việc của tỉnh Trung ương cũng làm thì nhiều văn bản. Mà càng nhiều văn bản hướng dẫn thì lại càng rối"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ đó, Thủ tướng lưu ý cần thống nhất quan điểm là phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát đầu ra.
"Hiện nay, chúng ta đang kiểm soát đầu vào và các cơ quan Trung ương đang làm thay các cơ quan địa phương nhiều quá. Điển hình nhất là ba chương trình mục tiêu. Cần rút kinh nghiệm đổi mới công tác quản lý và tăng cường phân cấp, phân quyền"- Thủ tướng nói rõ.
Thủ tướng cũng chia sẻ thêm về quan điểm phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững.
"Tôi cũng hay chia sẻ, nhân dân mình rất thông minh. Vấn đề là có cơ chế chính sách để họ phát huy năng lực sáng tạo, tính chủ động của người dân. Đây là việc Nhà nước phải làm. Không ai lo cho mình hơn là chính mình lo cho mình. Như thế mới bao trùm, bền vững, tiến bộ"- Thủ tướng cho hay.
Phấn đấu xoá bỏ nhà tạm, nhà dột nát trong nhiệm kỳ này
Theo Thủ tướng, Nghị quyết 42 đã mở rộng ra toàn bộ các nhóm chính sách xã hội cho tất cả các đối tượng trên nguyên tắc bảo đảm tính toàn dân, toàn diện.
Theo đó, có năm nhóm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; Chính sách bảo đảm an sinh xã hội; Chính sách về nâng cao phúc lợi xã hội và bảo đảm tiếp cận dịch vụ xã hội; Chính sách đối với nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng cũng chỉ rõ một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong Nghị quyết 42.
Cụ thể là tập trung xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, bền vững và hội nhập (bảo đảm việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực). Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường)
Về xây dựng nhà ở xã hội, cần lưu ý thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; xoá bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai…
Thủ tướng cho biết Chính phủ đang triển khai thí điểm việc này tại Hà Giang, Cao Bằng và phấn đấu trong nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát.
Song song, xây dựng Khung quốc gia về thích ứng già hoá dân số và điều chỉnh tỉ suất sinh thay thế; phấn đấu Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng đến chuyển đổi công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).