Trả hồ sơ vụ Bùi Quang Hải bị cáo buộc lừa bán găng tay y tế chiếm đoạt hơn 3,2 triệu USD

(PLO)- HĐXX tiếp tục trả hồ sơ để làm rõ về hợp đồng môi giới thương mại  liên quan đến một trong ba công ty ký hợp đồng mua bán găng tay y tế với Công ty HBC.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-12, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Bùi Quang Hải (giám đốc Công ty CP HBC International Trading - Công ty HBC) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hành vi lừa bán găng tay y tế chiếm đoạt hơn 3,2 triệu USD.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Hải đã đề nghị triệu tập nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Đỗ Trùng Dương để làm rõ một số vấn đề trong vụ án. Luật sư cũng cung cấp cho HĐXX hợp đồng môi giới thương mại thể hiện bên A là bị cáo Hải, bên B là ông NHV, cùng phiếu chi hoa hồng hơn 9 tỉ đồng và đề nghị triệu tập ông V đến tòa.

Bị cáo Hải trình bày rằng làm việc tại văn phòng công ty và theo chỉ đạo của ông Đỗ Trùng Dương. Hợp đồng môi giới trên liên quan đến một trong ba công ty ký hợp đồng mua bán găng tay y tế với Công ty HBC.

Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề mà luật sư đã nêu ra tại phiên tòa.

găng tay y tế
Bị cáo Bùi Quang Hải trong vụ án lừa bán găng tay y tế chiếm đoạt 3,2 triệu USD. Ảnh: SONG MAI

Theo cáo trạng, trong năm 2020, Hải đại diện Công ty CP HBC ký hợp đồng với ba công ty, gồm: Công ty PDP (trụ sở Hồng Kông), Công ty M (trụ sở Nhật Bản) và Công ty R (trụ sở Mỹ) để mua bán găng tay y tế.

Sau khi ký hợp đồng và nhận tiền, Công ty HBC không sản xuất hoặc tìm kiếm nguồn hàng để giao găng tay y tế, không hoàn trả tiền mà chiếm đoạt hơn 3,2 triệu USD (tương đương hơn 75 tỉ đồng).

Cũng theo cáo trạng, Hải khai: Thông qua môi giới, Công ty HBC đã liên hệ ba công ty trên để ký hợp đồng. Khi tiền chuyển đến, Hải ký giấy rút tiền mặt, ủy nhiệm chi, sau đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà (thủ quỹ) rút tiền mặt theo yêu cầu của ông Đỗ Trùng Dương.

Thực chất, Hải đứng tên tài khoản ngân hàng của công ty nhưng ông Dương là người nhận thông tin di biến động tài khoản. Khi tiền vào tài khoản, ông Dương thông báo để Hải ký ủy nhiệm chi, séc, giấy giới thiệu cho thủ quỹ rút tiền.

Đối với Đỗ Trùng Dương: Hồ sơ pháp lý của Công ty HBC thể hiện Dương không có tên trong HĐQT, không phải là cổ đông góp vốn, không đứng tên đại diện pháp luật; không tham gia ký kết hợp đồng với ba công ty trên.

Tuy nhiên, Hải và thủ quỹ khẳng định Dương là người điều hành, chỉ đạo hoạt động của Công ty HBC; chỉ đạo việc chuyển, nhận tiền. Thực tế các tài khoản của ông Dương có nhận tiền phù hợp với kết quả xác minh ngân hàng của Công ty HBC và lời khai của Hà; kết quả đối chất các bên giữ nguyên lời khai của mình.

Trước đó, vào tháng 7-2023, sau khi thụ lý hồ sơ, TAND TP.HCM từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì nghi bỏ lọt tội phạm. Tòa yêu cầu làm rõ hành vi, vai trò của Dương trong việc sử dụng số tiền của ba công ty đã chuyển vào Công ty CP HBC; yêu cầu thu hồi số tiền Dương đã nhận (nếu có) để đảm bảo về trách nhiệm bồi thường cho các bị hại…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm