Bị cáo Phan Quốc Việt: 'Việt Á không nhập hàng của Trung Quốc'

(PLO)- Tại phiên tòa, TGĐ Công ty Việt Á Phan Quốc Việt khẳng định không sản xuất test nhanh, không nhập hàng của Trung Quốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 27-12, phiên tòa xét xử vụ kit test Việt Á kết thúc phần xét hỏi. Ngày mai (28-12) HĐXX nghe đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội.

Việt Á

'Việt Á đóng góp lớn vào thành công của phòng, chống dịch"

Trong phần xét hỏi, TGĐ Công ty Việt Á Phan Quốc Việt nói rằng từ những đợt dịch Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội đến Hải Dương và Bắc Giang rồi đến miền Nam, Công ty Việt Á là đơn vị chủ lực cung cấp cho các nơi có dịch mượn trang thiết bị, con người đến tổ chức để giúp các địa phương tăng cường công tác, năng suất chống dịch. Công ty Việt Á có thêm những tư vấn về chống dịch đối với các địa phương có dịch.

Ông Việt nói rằng Công ty Việt Á có vai trò, đóng góp rất lớn vào thành công của công tác phòng, chống dịch. Việc Việt Á tham gia chống dịch vì trách nhiệm với đất nước, lúc đó đất nước cần kit test của Việt Á.

TGĐ Công ty Việt Á cũng khẳng định “Công ty Việt Á không sản xuất test nhanh và không nhập hàng của Trung Quốc”.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc kit test mà Công ty Việt Á sản xuất là tài sản Quốc gia hay của Việt Á, ông Việt nói rằng ông nhận được 2 nhóm kết luận điều tra và cáo trạng. Một nhóm của bên dân sự kết luận sản phẩm đề tài là tài sản Quốc gia còn kết luận điều tra bên quân đội là đề tài không hoàn thành - có nghĩa là chưa có sản phẩm. Bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử cho ý kiến về vấn đề này.

Về giá kit test, cáo trạng xác định giá thực tế 1 test là 142.461 đồng. Giá này được tính trên chi phí sản xuất thực tế (gồm chi phí sản xuất, chi phí nhân công, chi phí bán hàng, chi phí chung, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính) cộng thêm 5% lợi nhuận định mức và thuế giá trị gia tăng.

Khi được hỏi có ý kiến gì về giá kit test trong biên bản làm việc với C03 Bộ Công an, bà Hồ Thị Thanh Thủy, Phó TGĐ Công ty Việt Á, vợ bị cáo Phan Quốc Việt, cho biết bà chỉ ký với vai trò người nghiên cứu và đã sử dụng nguyên liệu như thế để sản xuất. Việc xác định giá sản phẩm là hơn 143.000 đồng/test, bà không đủ khả năng tính.

Vợ TGĐ Việt Á cũng đề nghị HĐXX xem xét lại giá kit test theo giá thương mại, theo thị trường.

Học viện Quân y: Mong tòa cân nhắc thành tích của 4 bị cáo

Tại phiên tòa, đại diện Học viện Quân y - nguyên đơn dân sự đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho 4 bị cáo từng là cán bộ của học viện.

Do tình hình phòng chống dịch như chống giặc, các bị cáo khi đó thực hiện các công việc rất gấp nên không được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Quá trình triển khai đáp ứng cũng rất gấp nên đã xảy ra những sự việc đó.

Đại diện Học viện Quân y mong tòa cân nhắc tới quá trình công tác của 4 bị cáo có nhiều thành tích.

Theo cáo buộc, năm 2021, Học viện Quân y tổ chức Trung tâm xét nghiệm dã chiến tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 ở một số địa phương trong đó có Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM.

Học viện Quân y không thực hiện việc chỉ định thầu theo đúng quy định. Ông Nguyễn Văn Hiệu đã cho Công ty Việt Á ứng trước kit xét nghiệm, sau đó hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, không tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu... do vậy không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu.

Giá bán thực tế 1 test Covid-19 do Công ty Việt Á cung cấp là 143.461 đồng. Giá kit trên các hợp đồng mua bán giữa Học viện quân y và Công ty Việt Á không đúng giá trị thực, gây thiệt hại cho Học viện quân y số tiền 27,7 tỉ đồng.

Ngoài số tiền hơn 2,4 tỉ đồng đã chi cho bị cáo Hồ Anh Sơn, Công ty Việt Á còn chi hoa hồng cho bị cáo Hiệu (nhận hơn 3,5 tỉ đồng), bị cáo Ngô Anh Tuấn (nhận hơn 1 tỉ đồng).

Tách hành vi nhóm lãnh đạo Học viện Quân y

Bản cáo trạng đề cập đến trách nhiệm một số cựu lãnh đạo Học viện quân y, trong đó có trung tướng Đỗ Quyết (cựu giám đốc) và thiếu tướng Hoàng Văn Lương (cựu phó giám đốc).

Theo đó, trung tướng Đỗ Quyết, thiếu tướng Hoàng Văn Lương do tin tưởng cấp dưới trong nghiên cứu thực hiện đề tài và đấu thầu mua kit xét nghiệm nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm của cấp dưới.

Thiếu tướng Hoàng Văn Lương vì tin tưởng, không xem biên bản bàn giao do Công ty Việt Á soạn thảo, Hồ Anh Sơn trình nên đã ký. Thiếu tướng Lê Bách Quang, chủ tịch các hội đồng, do tin tưởng kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y nên thông qua nghiệm thu giai đoạn 1 và nghiệm thu đề tài.

Hành vi của các cá nhân trên có dấu hiệu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tách hành vi sai phạm của những người này để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, đánh giá mức độ sai phạm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm