Sau 2 lần hội ý, hoãn phiên tòa xử cựu Chủ tịch Vimedimex

(PLO)- Sau 2 lần hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan và các đồng phạm trong vụ án sai phạm đấu giá đất ở Hà Nội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Vimedimex và 10 bị cáo khác về các tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

cuu-chu-tich-Vimedimex.jpg
Các bị cáo vụ Vimedimex tại phiên tòa. Ảnh: CTV

4 luật sư vắng mặt

Có khoảng 20 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Để chuẩn bị cho phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng triệu tập hơn 60 người là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người tham gia tố tụng khác đến phiên xử.

Đại diện UBND và đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội có mặt tại tòa với tư cách là người liên quan.

Trong phần thủ tục phiên tòa, thư ký phiên tòa cho hay, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt hoặc có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) có 5 luật sư bào chữa, tuy nhiên 4/5 người vắng mặt tại phiên tòa.

Được quyền trình bày ý kiến, bà Loan đề nghị hoãn tòa để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Luật sư Trương Quốc Hòe, người bào chữa cho bị cáo Loan cũng đề nghị hoãn phiên tòa và đề nghị HĐXX trong phiên tòa tới triệu tập thêm Công ty thẩm định giá VNG.

Đây là công ty thẩm định giá được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuê thẩm định theo luật thẩm định giá. Theo vị luật sư này, chứng thư ngày 18-3-2022 của Công ty VNG Việt Nam được Hội đồng định giá xác định giá tại thời điểm tháng 10-2020. Trong khi tại thời điểm tháng 10-2020 là căn cứ để đối trừ xác định thiệt hại.

Đại diện VKS cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích của bị cáo, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa vì cho rằng, các luật sư của bị cáo vắng mặt mà không có lý do. Hơn nữa, tội danh mà bà Loan bị truy tố thuộc nhóm tội danh không bắt buộc phải có luật sư.

Gây thiệt hại 135 tỉ đồng

Sau khi kết thúc phần thủ tục, phiên tòa chuyển sang phần xét hỏi. Trước khi xét hỏi, đại diện VKS công bố bản cáo trạng.

Theo cáo buộc, ngày 28-2-2020, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020 trong đó có Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh được giao nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Khi xác định giá khởi điểm, các bị cáo Trần Công Tuyên, cựu Trưởng phòng và Vương Thị Thu Thủy, cựu cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp đã yêu cầu các bị cáo là thẩm định viên hạ giá trị khu đất.

Nhóm bị cáo thẩm định viên của Công ty tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội đã không thực hiện đúng quy định, điều chỉnh, hạ giá trị khu đất thẩm định, ban hành chứng thư thẩm định với giá trị thấp.

Việc này đã tạo điều kiện cho các công ty đấu giá của bị cáo Nguyễn Thị Loan trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước với số tiền 135 tỉ đồng.

Mặt khác, quá trình tham gia đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, Tiên Dương, Nguyễn Thị Loan còn dùng pháp nhân của 3 công ty đều do Loan điều hành hoạt động để tham gia đấu giá, thống nhất với các bị cáo khác bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm và công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc của bị cáo Loan.

Cựu Chủ tịch Vimedimex kêu oan

Ngay khi bắt đầu phần xét hỏi, HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Thị Loan rằng truy tố của VKS có đúng hay không. Trả lời HĐXX, bà Loan nói rằng “truy tố bị cáo là oan”. Đồng thời, bà Loan tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa vì các luật sư vắng mặt, không đảm bảo quyền lợi.

Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết sẽ nộp thêm tài liệu chứng cứ mới trong đầu giờ chiều nay. Chứng cứ mới liên quan đến thẩm định giá, so sánh các kết quả thẩm định giá và đề nghị triệu tập Công ty định giá VNG.

Khi HĐXX hỏi bị cáo Trần Công Tuyên, cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp “truy tố có đúng hay không”, bị cáo Tuyên nói rằng: “Ngay từ khi làm việc với CQĐT, bị cáo đã không đồng tình với kết luận điều tra”.

Trước diễn biến này, HĐXX tiếp tục nghỉ hội ý lần 2. Sau khi hội ý, HĐXX xét thấy vắng mặt nhiều luật sư và cần có thời gian để cho các luật sư và bị cáo cung cấp thêm một số tài liệu, chứng cứ mới nên đã quyết định rời ngày xét xử sang ngày 17-4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm