Mới đây, TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Văn Thành, Nguyễn Quang Hải trong vụ án trục lợi chính sách chuyển đổi đất tại thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) do có 2 bị cáo bị ốm.
Trong vụ án này, bị cáo Thành bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng vụ án, bị cáo Hải và nhóm bị cáo là cán bộ huyện Gia Lâm gồm Lương Văn Thành (cựu Trưởng phòng TN&MT), Lý Duy Khoa (cựu cán bộ phòng TN&TM huyện Gia Lâm), Nguyễn Bá Hoán (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Quỳ), Phan Thế Long (cán bộ địa chính) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần (cựu Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm) bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ một phóng sự...
Theo hồ sơ vụ án, tháng 12-2021, Đài truyền hình Việt Nam phát sóng phóng sự về việc một số đối tượng lợi dụng từ chính sách người có công với cách mạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở, miễn giảm tiền sử dụng đất từ 65 - 100% tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra làm rõ nguồn tin về tội phạm trên.
Cùng với đó, CQĐT cũng nhận được đơn tố giác bị cáo Hoàng Văn Thành có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Kết quả điều tra xác định, năm 2011, Hoàng Văn Thành và Ngô Thị Thanh Thủy (đã chết năm 2021) góp tiền mua 9 thửa đất nông nghiệp, diện tích 5.233 m2 ở tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Do đây là đất nông nghiệp trồng lúa, không được phép chuyển nhượng cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên UBND huyện Gia Lâm có văn bản yêu cầu các bên hủy bỏ giao dịch. Tuy nhiên, 9 hộ dân không trả lại tiền nên Thành và Thủy vẫn là người sử dụng khu đất trên.
Đến năm 2015, 2016, Thành và Thủy nhờ người đứng tên nhận ủy quyền định đoạt các thửa đất trên và xin tách thành 29 thửa đất nông nghiệp. Sau đó, Thành bán cho Nguyễn Quang Hải 2/29 thửa đất.
Để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở đô thị và xin miễn giảm tiền sử dụng đất từ 70-90%, Thành và Nguyễn Quang Hải bàn nhau thuê các thương binh đứng tên các thửa đất trên.
Cáo buộc thể hiện, các bị cáo đã thuê 26 người có công với cách mạng đứng tên 26 thửa đất, những người này ký hợp đồng ủy quyền cho Thành, Thủy và Hải làm thủ tục chuyển đổi đất. Do vướng quy hoạch nên có 3 thửa không chuyển đổi mục đích sang đất ở.
Có sự tiếp tay của cán bộ
Tiếp đó, nhóm Thành, Hải cấu kết với nhóm cán bộ thuộc UBND thị trấn Trâu Quỳ, UBND huyện Gia Lâm để chuyển đổi mục đích sử dụng đất và miễn giảm số tiền phải nộp.
Mặc dù biết 26 thửa đất là của bị cáo Thành nhưng Phan Thế Long, cựu cán bộ địa chính; Nguyễn Bá Hoán, cựu Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ vẫn thụ lý và thẩm định hồ sơ.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Hoán đã ký 2 tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép 26 hộ dân được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp được giao xen kẹt sang đất ở đô thị.
Ở cấp huyện, bị cáo Lý Duy Khoa, cán bộ của Phòng TN&MT đã hoàn thiện hồ sơ và Lương Văn Thành, cựu Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm ký tờ trình để chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 26 hộ.
Còn Nguyễn Ngọc Thuần, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã không kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng, đầy đủ về tiêu chuẩn, điều kiện miễn giảm nhưng vẫn ký 26 quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền đất trái pháp luật.
Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 20,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, ở hành vi lừa đảo, bị cáo Thành biết rõ 470 m2 đất ở thị trấn Trâu Quỳ của 5 hộ gia đình nằm trong chỉ giới đường đỏ, không thể chuyển đổi nhưng vẫn khẳng định với anh Bùi Trung S có thể chuyển đổi sang đất ở.
Bị cáo Thành đã nhận của anh S hơn 9 tỉ đồng với hứa hẹn sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho anh S trong thời hạn 4 tháng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện và đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết số tiền này.
Đối với những thương binh được mượn tư cách đứng tên trong giấy xác nhận người có công với cách mạng trong hồ sơ chuyển đổi đất, CQĐT xác định họ bị lợi dụng và bản thân không nhận thức được việc đứng tên trên giấy xác nhận là hành vi phạm tội nên CQĐT không đề cập xử lý trong vụ án.