Giải “cơn khát” cát cho hàng loạt siêu dự án giao thông phía Nam

Giải “cơn khát” cát cho hàng loạt siêu dự án giao thông phía Nam

(PLO)- 16 dự án/dự án thành phần giao thông trọng điểm quốc gia ở phía Nam đang thiếu khoảng 26 triệu m3 cát.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ triển khai 16 dự án/dự án thành phần trọng điểm giao thông quốc gia là các dự án cao tốc, đường vành đai với tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án khoảng 70 triệu m3. Riêng cát đang là vấn đề nóng bỏng của các đại dự án này khi còn thiếu khoảng 26 triệu m3, trong khi ngày về đích của các dự án không xa.

70

triệu m3 là tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho 16 dự án ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát khoảng 63 triệu m3.

Đường vành đai 3 TP.HCM thiếu khoảng 3 triệu m3 cát

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM nối liền bốn tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An được khởi công từ giữa tháng 6-2023. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), hiện nay tổng cộng 10 gói thầu đã được khởi công, các nhà thầu đang tích cực triển khai thi công đẩy nhanh tiến độ.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại thời điểm cuối năm 2023. Ảnh: CHÂU ANH

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại thời điểm cuối năm 2023. Ảnh: CHÂU ANH

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, dự án đường vành đai 3 có tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền khoảng 9,3 triệu m3. Đến nay đã dự kiến được nguồn cung 6,3 triệu m3 từ 17 mỏ của tỉnh Tiền Giang, còn thiếu khoảng 3 triệu m3. UBND TP.HCM đề xuất từ các tỉnh Vĩnh Long (2 triệu m3) và tỉnh Bến Tre (2 triệu m3). Công suất cung ứng trung bình để đảm bảo theo yêu cầu tiến độ phải đạt khoảng 25.000 m3/ngày, tập trung trong năm 2024.

Trước đó, TP.HCM đã làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre để rà soát, cân đối nguồn cát phục vụ dự án đường vành đai 3. Theo đó, TP.HCM và các địa phương đã tiến hành khảo sát 44 mỏ cát ở miền Tây, trong đó có 28 mỏ đủ điều kiện.

Hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre thống nhất chủ trương cung cấp một phần trữ lượng các mỏ cát tại địa phương để phục vụ dự án đường vành đai 3 nếu kết quả thí nghiệm các mẫu cát đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Trong khi đó, các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy do khó khăn về nguồn cung cấp cát phục vụ các dự án cao tốc, các công trình trong tỉnh nên chủ trương không cung cấp cát cho công trình ngoài tỉnh.

vanh-dai-3.jpg
Dự án vành đai 3 cần nguồn cát rất lớn để đắp nền. Ảnh: ĐÀO TRANG

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc với nguồn vật liệu san lấp cho những dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL và đường vành đai 3, trong tháng 4, Cục Khoáng sản Việt Nam đã làm việc với các tỉnh trên và TP.HCM. Cục đề nghị Ban giao thông khẩn trương lấy mẫu khảo sát và xác định khối lượng cát đắp nền đường cần các địa phương hỗ trợ cho dự án đường vành đai 3. Từ đó sớm có văn bản báo cáo tổ công tác liên ngành để Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc cho biết TP.HCM đã làm việc với các địa phương, đưa ra từ nguồn trữ lượng cát của từng mỏ mà các địa phương đã cam kết để đưa về TP. Một số công việc còn lại như sớm cấp giấy khai thác cát, nâng công suất khai thác tối đa… Tất cả đều được TP.HCM và các địa phương thống nhất và đang kiến nghị với Chính phủ.

Đối với nguồn cát đắp nền đường, Ban giao thông đang cùng với các đơn vị rà soát đánh giá từng gói thầu, bao gồm tiến độ và nguồn cát để đảm bảo phục vụ dự án. Trong đó, yêu cầu các nhà thầu của từng gói thầu tìm cát và đưa về công trường.

Ông Phúc cũng cho biết TP.HCM đang nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, với nhiều cuộc họp nóng để giải quyết ngay vật liệu cho dự án đường vành đai 3. Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng rà soát hơn 90 mỏ vật liệu, đưa ra trữ lượng khai thác từng mỏ để đưa về TP.HCM, phấn đấu rút ngắn thủ tục gia hạn, cấp phép mỏ cát. TP.HCM phấn đấu tháng 6-2024 sẽ có nguồn cát ổn định.

Trong tháng 5, các nhà thầu phải thực hiện theo hợp đồng, chủ động nguồn cát đưa về dự án đường vành đai 3. Như vậy, phải tới tháng 6, giải pháp căn cơ nguồn cát lớn từ các địa phương phục vụ dự án đường vành đai 3 sẽ được giải quyết. Ngoài ra, TP cùng một số đơn vị khảo sát thêm nguồn cát ở Campuchia, từ đơn giá đến định mức sẽ tính toán cho dự án đường vành đai 3. Đây sẽ là nguồn cát bổ sung cho các nguồn trong nước.

Thiếu cát, cao tốc trục ngang qua Hậu Giang chậm tiến độ 56%

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua bốn tỉnh ĐBSCL (An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và Sóc Trăng hơn 56 km). Dự án có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng được khởi công sáng 17-6-2023.

khai-thac-cat.jpg
Khai thác cát trên sông Tiền đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Toàn dự án được chia làm bốn dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài gần 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng. Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, chủ đầu tư dự án cho biết hiện đã có 1.128 hộ dân bàn giao mặt bằng hoặc bàn giao mặt bằng một phần cho dự án với diện tích gần 256 ha, đạt hơn 98% diện tích phải thu hồi.

Dự án thành phần 3 được chia thành hai gói thầu thi công. Theo Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, hiện nay tại gói thầu xây lắp số 1 nhà thầu đã triển khai 20 mũi thi công để triển khai các hạng mục như đào đất hữu cơ, thi công đường công vụ, các cầu và nút giao hai cao tốc. Còn tại gói thầu xây lắp số 2, nhà thầu cũng đã triển khai 12 mũi thi công các cầu Nàng Mau, Hòa Mỹ, Lái Hiếu, Hậu Giang 3.

Theo thống kê đến nay, tổng giá trị thực hiện toàn dự án đạt khoảng 325/6.292 tỉ đồng, đạt 5,1% giá trị hợp đồng, chậm 56% so với kế hoạch. Trong đó, giá trị của gói thầu số 1 thực hiện được khoảng 300 tỉ đồng, chậm 25% so với kế hoạch. Còn gói thầu số 2 thực hiện đạt khoảng 25 tỉ đồng, chậm 93% so với kế hoạch.

Nguyên nhân chậm tiến độ dự án là do thiếu nguồn vật liệu cát. Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết dự án thành phần 3 cần khoảng 6 triệu m3 cát, hiện mới chỉ xác định được nguồn khoảng 2,6 triệu m3 cát.

Bốn nguồn cát có thể cung cấp cho các dự án

Bộ GTVT đã đưa ra bốn nguồn vật liệu có thể cung ứng cho các dự án. Thứ nhất là từ các mỏ sông tại các tỉnh ĐBSCL. Cụ thể như Tiền Giang có khoảng 40 triệu m3 từ 35 mỏ, Bến Tre có sáu mỏ cát với tổng trữ lượng 15 triệu m3, An Giang có khoảng 2,5 triệu m3.

Thứ hai là từ nguồn vật liệu cát biển: Bộ TN&MT đã hoàn thành dự án “đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” và bàn giao kết quả cho UBND tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3. Bộ cũng có văn bản gửi các tỉnh, TP, chủ đầu tư kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Thứ ba là từ nguồn vật liệu từ hoạt động nạo vét: Dự kiến An Giang và Đồng Tháp khoảng 2 triệu m3, Bến Tre khoảng 10 triệu m3. Các dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm do các đơn vị thuộc Bộ GTVT khoảng 27 triệu m3. Thứ tư là từ nguồn cát thương mại nhập khẩu từ Campuchia khoảng 100 triệu m3.

Cụ thể, dự án đã được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác một mỏ cát với trữ lượng khai thác khoảng 2,6 triệu m3, công suất theo hồ sơ là 3.750 m3/ngày. Tuy nhiên, thực tế hiện chỉ đang khai thác với công suất khoảng 1.500 m3/ngày (chỉ đạt 15% so với nhu cầu). Lý do là tỉnh An Giang chỉ mới cấp phép cho một trong số xáng cạp hoạt động.

Đối với việc còn thiếu khoảng 3,4 triệu m3 cát, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát, tìm kiếm. Đồng thời, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre để xem xét hỗ trợ nguồn vật liệu cát cho dự án. Đến nay, các địa phương đang rà soát, chưa thể phân bổ cho dự án.

cat-bien.jpeg
Cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 của dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ảnh: CHÂU ANH

Tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ giao hai tỉnh Hậu Giang, Bến Tre phối hợp để cập nhật mỏ cát trên sông Ba Lai vào hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu để được áp dụng cơ chế đặc thù theo đề xuất của Bộ TN&MT.

Bên cạnh đó, Hậu Giang đề nghị tỉnh An Giang cho phép lập hồ sơ nâng công suất mỏ thêm 50% theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Ngoài ra, Hậu Giang cũng đề nghị hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp xem xét, rà soát hỗ trợ dự án khoảng 1 triệu m3 cát trong năm 2024 để tháo gỡ khó khăn về tiến độ.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng nhu cầu cát cho toàn dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là 29 triệu m3. Hiện nay, các địa phương xã xác định nguồn cung 18,5 triệu m3 cát, còn thiếu khoảng 10,5 triệu m3 cát để thực hiện dự án.

Cần Thơ tìm nguồn cát san lấp dự án cao tốc từ Campuchia

Tại TP Cần Thơ có hai dự án thành phần 1 và 2 thuộc dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tổng chiều dài 94 km cũng đang gặp khó khăn vì thiếu cát. Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua địa bàn TP nhu cầu cát san lấp là 5,3 triệu m3, hiện cân đối được 2,4 triệu m3 từ mỏ cát Bình Phước Xuân ở An Giang.

Khối lượng còn lại TP Cần Thơ chưa cân đối được và đang phối hợp với hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp để xem xét nguồn cung từ các mỏ cát trên địa bàn hai tỉnh này.

Tại cuộc họp giao ban báo, đài quý I-2024, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: TP đã liên hệ với các tỉnh trong khu vực như An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.

Cùng đó, tổ chức đoàn công tác làm việc với tỉnh Sóc Trăng, nơi có nguồn cát biển vừa được cho phép tiến hành thực hiện các thủ tục để khai thác, nhằm tìm kiếm nguồn cát san lấp dự án cao tốc đi qua địa bàn là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Hiện nay phía Sóc Trăng ngoài nguồn cát biển, tỉnh này thông tin là trữ lượng cát các mỏ trên sông Hậu đoạn qua thủy phận của tỉnh trước đây theo khảo sát, đánh giá là khoảng 8 triệu tấn. Nếu vận hành khai thác sẽ cung cấp cho Cần Thơ khoảng 5 triệu tấn nhưng để đánh giá trữ lượng chính xác cần đánh giá và khảo sát lại.

“TP đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng để tiến hành rà soát và nếu được nguồn cát này sẽ bổ sung cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng” - ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, ngày 17-4 vừa qua, TP đã có buổi tiếp và làm việc với phía đại diện Đại sứ quán Vương quốc Campuchia và đơn vị có liên quan về việc cung ứng cát san lấp cho dự án đầu tư trên địa bàn TP. Chất lượng cát của Campuchia rất tốt, nguồn cung cấp qua Việt Nam không thiếu nhưng giá cả chưa thống nhất được.•

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:

Kiến nghị các tỉnh sớm cung cấp cát cho đường vành đai 3

12-p23-chuyende-BuiXuanCuong.jpg

TP.HCM kiến nghị Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long sớm có chủ trương cung cấp cát đắp nền đường cho dự án đường vành đai 3 với tổng khối lượng là 2 triệu m3.

Cụ thể, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận danh mục các mỏ (như đề xuất) cung cấp cho dự án trước ngày 30-5 để các mỏ được phép nâng công suất khai thác lên 50%.

Đối với mỏ đang khai thác, sớm có chủ trương cung cấp cát cho dự án bắt đầu từ tháng 5 với khối lượng khoảng 0,1 triệu m3. Đối với sáu mỏ đang làm thủ tục gia hạn, đẩy nhanh các thủ tục gia hạn để khai thác cấp ngay cho đường vành đai 3 bắt đầu từ tháng 5 và các tháng tiếp theo với khối lượng 0,7 triệu m3.

TP cũng Kiến nghị Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang sớm có chủ trương cung cấp tổng khối lượng 6,3 triệu m3; Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre sớm có chủ trương cung cấp khối lượng 4,2 triệu m3. TP cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm thu xếp trao đổi, làm việc với phía Campuchia về phương án nhập khẩu cát nhằm có thêm nguồn cát nhập khẩu Campuchia để có thể cung cấp kịp thời cho dự án trong trường hợp nguồn cát trong nước chưa đáp ứng theo tiến độ.

HỒ THỊ HOÀNG YẾN, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre:

12-p23-chuyende-Hothihoangyen.jpg

Tỉnh Bến Tre cam kết cung cấp cát cho đường vành đai 3

Ngay từ đầu Bến Tre đã chủ động đề nghị Chính phủ cho Bến Tre cùng tham gia cung cấp cát cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh sớm hoàn thành các thủ tục để Thường vụ cho chủ trương làm cơ sở thực hiện. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bến Tre sẽ có tuyến đường vành đai ven biển, cầu Đình Khao kết nối Vĩnh Long và Bến Tre do đó tỉnh cũng phải dành nguồn vật liệu thực hiện.

Ông NGHIÊM XUÂN THÀNH, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang:

12-p23-chuyende-nghiemxuanthanh.jpg

Khó khăn đã được tháo gỡ

Trong hai tuyến cao tốc dài 300 km qua vùng ĐBSCL thì có khoảng 100 km đi qua địa bàn Hậu Giang, nhu cầu cát là 16 triệu m3, trong đó dự án Hậu Giang làm chủ đầu tư thì khoảng 6 triệu m3.

Đối với 6 triệu m3 này, hiện nay trữ lượng được xác định chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu, còn thiếu 55% thì địa phương cũng rất lo lắng. Nhưng nay phó Thủ tướng kết luận cho sử dụng cát biển thay thế thì vấn đề đã được giải quyết.

Ông TRẦN VĂN LÂU, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:

12-p23-chuyende-TranVanLau.jpg

Sóc Trăng cam kết cung ứng cát sông cho cao tốc đi qua bốn tỉnh

Tỉnh Sóc Trăng cam kết cung ứng đầy đủ nguồn cát sông cho dự án thành phần 4 đi qua địa bàn tỉnh. Đối với cát biển, tỉnh không có nhu cầu sử dụng mà chỉ cung cấp cát biển cho các tỉnh.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh có sáu mỏ với trữ lượng hơn 13 tỉ m3. Tuy nhiên, theo quy định, ranh giới, khoảng cách, thẩm quyền cấp phép thì không đủ thẩm quyền. Đồng thời, tỉnh cũng không đủ khả năng quản lý việc khai thác ngoài khơi nên kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng giao Cảnh sát biển quản lý.

Phó Thủ tướng: Dứt khoát không để các dự án giao thông thiếu cát

Ngày 11-5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM về việc giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Sau khi nghe Bộ GTVT và các địa phương báo cáo, Phó Thủ tướng chỉ đạo: Việc bảo đảm vật liệu san lấp là điều kiện quyết định đến tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, kết nối liên vùng, đang được triển khai trên cả nước.

Các địa phương phải nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trong bảo đảm cung cấp cát san lấp cho những tuyến đường huyết mạch trọng điểm vì sự phát triển của cả vùng.

“Chúng ta phải giải quyết câu chuyện đã bàn mãi, nói mãi, đưa ra phương án nhưng cuối cùng vẫn có lý do khách quan, chủ quan. Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ cơ chế, chính sách nhưng khi tổ chức thực hiện thì đâu đó có một số vấn đề về nhận thức, sự đồng thuận trong cấp ủy Đảng, chính quyền. Từ đó ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng gợi mở cho một số địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long nghiên cứu phương án nạo vét các bãi bồi, cồn cát đang làm cản trở dòng chảy trên các sông, nằm ở vị trí không ảnh hưởng đến dân cư, công trình hạ tầng để bổ sung nguồn cát san lấp.

pho-thu-tuong.jpg.png
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thị sát khu vực khai thác cát tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long vào ngày 11-5. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ TN&MT đã trao đổi cụ thể với tỉnh Sóc Trăng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp phép, quản lý hoạt động khai thác cát biển; đơn giá, định mức kỹ thuật, công nghệ khai thác, đánh giá tác động môi trường… Phó Thủ tướng đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký nhu cầu cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp bù đắp cho nguồn cát sông còn thiếu.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT lên kế hoạch cụ thể về nhu cầu vật liệu san lấp của từng dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng ở phía Nam theo tiến độ thi công, trữ lượng và công suất khai thác hiện nay của các mỏ cát; nghiên cứu phương án mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho một số dự án giao thông trọng điểm.

Các địa phương khẩn trương chuẩn bị phương án, thủ tục liên quan để có thể thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị định mới về phân cấp thẩm quyền, điều kiện thực hiện và giám sát đối với hoạt động nạo vét luồng lạch bảo đảm giao thông thủy an toàn. Đồng thời bổ sung nguồn vật liệu nạo vét này phục vụ san lấp.

Phó Thủ tướng yêu cầu gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương trong việc triển khai phương án, kế hoạch bảo đảm vật liệu san lấp đã được xác định, thủ tục ở cấp nào phải chủ động ở cấp đấy.

“Các địa phương phải cung cấp thông tin đầy đủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi cho bà con, các hộ dân bị ảnh hưởng và huy động người dân tham gia giám sát hoạt động khai thác cát sông” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Đọc thêm