Cụ thể, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả phiên đấu thầu vàng miếng ngày hôm nay, ngày 16-5 cho thấy đã có 11 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng vàng miếng trúng thầu là 12.300 lượng (tương đương 123 lô).
12.300 lượng vàng miếng vừa được 11 DN gom mua
Trong đó, giá trúng thầu vàng thấp nhất là 88,89 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng.
So với giá tham chiếu, giá vàng miếng trúng thầu hôm nay đắt hơn từ 1,39 – 1,42 triệu đồng/lượng. Đồng thời, mức giá trúng thầu này so với phiên đấu thầu vàng miếng thành công lần đầu (23-4) đã đắt hơn khoảng 7,6 triệu đồng mỗi lượng.
Như vậy, kể từ ngày 19-4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 7 lần thông báo đấu thầu vàng miếng, nhưng chỉ có 4 phiên đấu thầu thành công, còn 3 phiên bị huỷ do không đủ thành viên đăng ký dự thầu.
Riêng trong phiên đấu thầu thành công lần thứ 4 này đã ghi nhận nhiều cái “nhất”, như số thành viên trúng thầu cao nhất, giá trúng thầu lớn nhất và khối lượng vàng miếng trúng thầu cũng “khủng” nhất.
Đón đầu kết quả phiên đấu thầu vàng miếng hôm nay, giá vàng miếng SJC trên toàn thị trường điều chỉnh tăng giảm đan xen, nhưng biên độ thay đổi không đáng kể.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch ngày 16-5, có nơi điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng mỗi lượng, nhưng có doanh nghiệp điều chỉnh tăng thêm 200.000 – 600.000 đồng/lượng. Nhưng đến cuối phiên sáng, giá vàng miếng đồng loạt điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, đưa giá mua – bán về mức 87,5 – 90 triệu đồng/lượng.
Điều này hoàn toàn trái ngược với diễn biến của vàng nhẫn 9999 khi toàn thị trường đồng loạt điều chỉnh tăng khoảng 350.000 đồng/lượng, niêm yết giá mua – bán phổ biến ở mức 75,35 – 77,05 triệu đồng/lượng. Sau ba ngày liên tục tăng, mỗi lượng vàng nhẫn tròn trơn đã tăng khoảng gần 1 triệu đồng.
Những đỉnh mới của giá vàng thế giới
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay lúc 14h (theo giờ Việt Nam) dao động quanh mức 2.387 USD/ounce. Tính chung cả 3 phiên gần đây, giá vàng thế giới tăng khoảng 53 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, “vàng ngoại” tương đương 73,2 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 1,6 triệu đồng/lượng so với 3 ngày trước.
So sánh giữa giá vàng thế giới và giá vàng trúng thầu hôm nay cho thấy, giá vàng miếng trúng thầu đang cao hơn thế giới tới 15,7 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng miếng SJC trên thị trường nói chung đang đắt hơn giá vàng thế giới đâu đó khoảng 17 triệu đồng một lượng. Trong khi đó, các loại vàng nhẫn chỉ vênh khoảng 3,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng quốc tế.
Giá vàng và bạc trên thị trường quốc tế tăng mạnh sau dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 đã tăng thấp hơn so với dự báo được đưa ra trước đó, điều này làm tăng khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới đây.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng bạc xanh và lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tại kỳ hạn 10 năm cùng rơi xuống mức đáy của một tháng qua, cũng hỗ trợ thêm cho thị trường kim loại quý.
Nhờ vậy, giá vàng kỳ hạn tháng 6 đạt mức cao nhất trong ba tuần gần đây, khi bật lên 2.390 USD/ounce. Tương tự, giá bạc giao tháng 7 cũng leo lên mức 29,70 USD/ounce - cao nhất trong 4 tuần qua.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khoảng thời gian từ ngày 1-3 đến ngày 12-4, giá vàng thế giới đã tăng 18%, tương ứng tăng khoảng 400 USD/ounce và đạt mức cao nhất mọi thời đại. Nguyên nhân thúc đẩy giá vàng “leo thang” chủ yếu do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, cũng như nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương ghi nhận mức cao kỷ lục, cộng thêm với lo ngại về lạm phát, nợ chính phủ Mỹ tăng vọt...
Sau đợt tăng “sốc” này, các ngân hàng lớn đã điều chỉnh dự báo của họ về triển vọng giá vàng. Đơn cử như Citigroup kỳ vọng giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD trong vòng 6 đến 18 tháng tới. Trong khi Goldman dự báo vàng sẽ đạt 2.700 USD/ounce vào cuối năm nay. Tương tự, UBS đã nâng mục tiêu về giá vàng vào cuối năm nay có thể chạm ngưỡng 2.500 USD/ounce.