Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững

(PLO)- Trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo “Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-7, Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo “Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng của Uỷ ban châu ÂU (EC) gắn với phát triển kinh tế biển bền vững”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức đang diễn ra tại tỉnh Kiên Giang.

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của chương trình

Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của chương trình
hoi-thao-iuu.jpg
Hội thảo “Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững" trong khuôn khổ chương trình

Tham dự chương trình có Đại tá Lê Văn Hưởng, Phó Chính uỷ Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải Quân; Đại tá Nguyễn Thái Dương, Phó Chính ủy, Vùng Cảnh sát biển 4.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thuỷ sản; Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thuỷ sản Việt Nam; PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ cùng tham dự trực tuyến

Về phía địa phương có, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Kiên Giang, và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

hoi-thao-iuu-4.jpg
Tham dự chương trình có Đại tá Lê Văn Hưởng, Phó Chính uỷ Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải Quân; Đại tá Nguyễn Thái Dương, Phó Chính ủy, Vùng Cảnh sát biển 4.
hoi-thao-iuu-7.jpg
hoi-thao-iuu-Thang.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thuỷ sản Việt Nam
hoi-thao-iuu-6.jpg
Đại diện các sở ban ngành tỉnh Kiên Giang

Về phía báo Pháp Luật TP.HCM có ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập, Trưởng ban Tổ chức chương trình.

Đồng hành với chương trình còn có Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh cùng các đại diện các doanh nghiệp, nhà tài trợ.

Hướng tới trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia

Phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện tỉnh Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết ngành thủy sản Kiên Giang là một ngành kinh tế tổng hợp cả trong đất liền, trên biển và hải đảo về các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh năm 2023 ước đạt 233,1 triệu USD; đóng góp hơn 50% vào cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp tỉnh.

kien-giang-chung-suc-thao-go-the-vang-ec-gan-voi-phat-trien-kinh-te-bien-ben-vung.jpg
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang

Toàn tỉnh có khoảng hơn 200 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản, trong đó có 25 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản quy mô lớn; thông qua hoạt động khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản đã giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động phổ thông của tỉnh, trong đó có hơn 70.000 người lao động trực tiếp trên biển, góp phần rất đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội.

Với các tiềm năng, lợi thế trên đã tạo điều kiện cho Kiên Giang phát triển một ngành thủy sản đa dạng, từng bước đưa Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó khai thác, đánh bắt hải sản vẫn giữ vai trò trụ cột trong ngành thủy sản của tỉnh.

Theo Chi Cục thuỷ sản tỉnh Kiên Giang, định hướng phát triển thuỷ sản Kiên Giang trong thời gian tới dựa vào 3 trụ cột chính, đó là: khai thác, nuôi trồng và bảo tồn, phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Quán triệt, thực hiện chủ trương giảm sản lượng khai thác thuỷ sản, tăng nuôi trồng thuỷ sản để bù đắp sản lượng, giá trị khai thác giảm để đảm bảo tăng trưởng trong lĩnh vực thuỷ sản và đồng thời tăng cường công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ.

hoi-thao-iuu-1.jpg
Các ngư dân tham dự hội thảo
hoi-thao-iuu-5.jpg

Tuy nhiên, theo ông Toàn, ngành thủy sản của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển một cách hiệu quả và bền vững, đặc biệt là chưa gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

“Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của Kiên Giang đã rất nỗ lực, cố gắng cùng cả nước tháo gỡ Thẻ vàng của EC, nhằm hướng đến một nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập nhưng đến nay kết quả đạt vẫn chưa được như mong muốn.

Với quan điểm và nhận thức mới là: “Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân, vì sự phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” và mục đích cao cả của Chương trình này.

Tỉnh Kiên Giang tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, nỗ lực cùng với sự chung tay, góp sức của bà con ngư dân và chính quyền địa phương sẽ cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC trong thời gian sớm nhất” - ông Toàn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại diện, chuyên gia đã cập nhật cung cấp các thông tin liên quan đến những nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc chống đánh bắt trái phép của Việt Nam đến thời điểm hiện nay; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới…

hoi-thao-iuu-Ca.jpg
PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ dẫn đề tại hội thảo (trực tuyến)

Dẫn đề Hội thảo, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, đánh giá biển Kiên Giang là một vùng biển rất đặc biệt, có nguồn lợi thủy sản dồi dào, có giá trị kinh tế rất cao. Tuy vậy, trong những năm qua, kinh tế thủy sản của tỉnh Kiên Giang đã bị ảnh hưởng rất mạnh và trở nên không bền vững do hiện tượng đánh bắt thủy sản quá mức và do phá hoại các sinh cảnh biển quan trọng nhất, đặc biệt là các rạn san hô.

Bị thẻ vàng gây nhiều thiệt hại cho hải sản của Việt Nam

Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường quan trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với lượng xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 1,2-1,4 tỉ USD, trong đó, có khoảng 1/3 là thuỷ sản khai thác, tương đương 400 triệu USD

Trong những năm vừa qua, thẻ vàng của EC đã gây những thiệt hại rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. Minh chứng cụ thể là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU liên tục bị sụt giảm từ 6%-10%. Bên cạnh đó, uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế bị sụt giảm.

"Không những vậy, thẻ vàng cũng gây ra những tác động bất lợi tới vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với thiệt hại về tài chính, sinh kế của ngư dân và những người chế biến thủy sản cũng bị tác động mạnh.

Thẻ vàng EU đã gây tác động bất lợi tới chuỗi việc làm của hơn 60 nhà máy đang hoạt động có liên quan đến chế biến, xuất khẩu hải sản và ảnh hưởng đến công ăn việc làm, sinh kế của rất nhiều người lao động. Khó khăn trong bán hải sản khai thác được sẽ hạn chế sự hiện diện của ngư dân trên biển và đóng góp của ngư dân vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước" - PGS-TS Vũ Thanh Ca đánh giá.

Kiên Giang quyết tâm cùng cả nước tháo gỡ Thẻ vàng hải sản

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng cục Thủy sản Việt Nam, qua các đợt thanh tra thực tế, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” do vẫn còn nhiều hạn chế và Đoàn đã chỉ ra 4 nhóm vấn đề còn tồn tại và cần phải sớm khắc phục gồm: Khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật.

34FBC35D-8534-4288-AFF4-6F644A49417B.jpeg
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng cục Thủy sản Việt Nam nhấn mạnh việc gỡ “thẻ vàng” IUU là vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị tham gia.

Ông Luân nhấn mạnh việc gỡ “thẻ vàng” IUU là vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị tham gia. Để tháo gỡ thẻ vàng, Việt Nam cần áp dụng các cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tất cả các tàu cá đã hủy đăng ký không được phép tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Đảm bảo thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase là hoàn toàn chính xác và có cơ chế theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá theo quy định. Kiên Giang và các tỉnh nói chung phait duy trì việc cấm đăng ký tàu mới; kiểm soát tàu cá “3 không”, bên cạnh đó rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS). Đặc biệt, phải tổ chức xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Ở góc độ địa phương, ông Cô Hồng Khởi, Chi Cục trưởng chi cục kiểm ngư tỉnh Kiên Giang, cho biết thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan tình hình tuân thủ pháp luật trong đánh bắt thủy sản còn nhiều hạn chế, tình trạng đánh bắt tận thu, hủy diệt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số bà con ngư dân đưa tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã xử lý các hành vi liên quan khai thác IUU trên biển và tàu cá vi phạm nước ngoài là 505 vụ/546 vụ với số tiền 19,6 tỉ đồng.

iuu-kien-giang-khoi.jpg
Ông Cô Hồng Khởi, Chi Cục trưởng chi cục kiểm ngư tỉnh Kiên Giang

Sau gần 7 năm thực hiện nhiệm vụ chống khai khác IUU gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC, tỉnh đã nhận ra nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động nghề cá nói chung, trong đó có việc quản lý đội tàu, quản lý tình trạng khai thác thủy sản vô tội vạ theo kiểu “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn” hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thuỷ sản, hủy hoại môi trường, thiếu tính bền vững.

Trên cơ sở thực tế nêu trên, hệ thống chính trị Kiên Giang đã vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao, đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Hiện 100% tàu cá có chiều dài trên 15 mét đều đã được lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) để quản lý hoạt động khai thác thủy sản; 100% tàu cá ra vào các trạm kiểm soát biên phòng và các cảng cá chỉ định đều được kiểm tra, kiểm soát đủ điều kiện hoạt động;

100% tàu cá đã được đánh dấu nhận dạng đúng quy định, đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để đưa vào đăng ký quản lý trên 2.000 tàu chưa đăng ký, dự kiến đến tháng 9-2024 sẽ hoàn thành và cũng đang làm thủ tục phối hợp cơ quan Công an đưa vào quản lý tàu cá cùng với mã định danh của chủ tàu, cũng sẽ hoàn thành trong tháng 9-2024 …

“Điều đáng mừng là hiện nhiều bà con đã ý thức được trách nhiệm trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, số vụ việc vi phạm khai thác IUU có giảm so với trước đây, đặc biệt là hành vi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể theo từng năm (năm 2017 là 206 vụ/323 tàu, năm 2018 là 50 vụ/88 tàu, năm 2019 là 72 vụ/121 tàu, năm 2020 là 43 vụ/73 tàu, năm 2021 là 36 vụ/46 tàu, năm 2022 là 18 vụ/26 tàu và năm 2023 là 16 vụ/20 tàu)” - ông Khởi cho hay.

Kiên trì, quyết liệt tháo gỡ thẻ vàng IUU

Theo TS Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, thời gian vừa qua việc tháo gỡ “Thẻ vàng” đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thúc đẩy quyết liệt với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể, đặc biệt là khung pháp lý đã được hoàn thiện theo khuyến nghị của EC với các Chỉ thị, Nghị quyết và Thông tư. Qua đó, các vụ vi phạm khai thác trái phép giảm ít đi, việc khai thác biển tốt hơn, sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản gia tăng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, một số tồn tại và hạn chế vẫn còn xảy ra đối với việc khai thác hải sản như: Chưa ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện tượng vận chuyển thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác gửi vẫn còn diễn ra; chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp phép khai thác, lắp đặt thiết bị VMS và xử lý dứt điểm tàu cá “03 không”….. chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

hoi-thao-iuu-Thang.jpg
TS Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam

“Việc tháo gỡ thẻ vàng IUU cũng như để nghề khai thác thủy sản biển Việt Nam phát triển một cách ổn định, tuân thủ các quy định quốc tế về khai thác bền vững là công việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, tính quyết liệt hơn; cần có sự quản lý tổng thể lâu dài ngành khai thác từ tàu thuyền cho đến ngư dân; đến các hạ tầng cơ sở bến cảng, bến cá và bảo quản, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm khai thác" - TS Thắng chia sẻ.

Mong có chính sách cho ngư dân chuyển đổi nghề

hoi-thao-iuu-Huong.jpg
Ngư dân Danh Hường

Chia sẻ về những khó khăn trong đánh bắt thời gian hải sản thời gian qua, ngư dân Danh Hường (xã Mỹ Hoà Phú, huyện Châu Thành) cho biết anh và các ngư phủ đa số trình độ thấp quanh năm suốt tháng toàn đi ghe nên khó nắm bắt, tiếp cận được các chủ trương, chính sách của nhà nước về chống đánh bắt hải sản trái phép.

"Chúng tôi thời gian qua sống trên biển nhiều hơn là trên đất liền, đi ghe khoảng 3 tháng, 4 tháng mới vô bờ 1 lần thì vài bữa nửa tháng lại ra khơi nên các thông tin về chống khai thác trái phép chưa được thường xuyên.

Chúng tôi cũng được cảng cá, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương có tuyên truyền trong những lần vào bờ; ít được nghe trên các báo đài. Hiện nguồn lợi thì giảm sút mà các phương tiện thì nhiều nên thu nhập cho các chuyến biển giảm sút nhiều đời sống ngư phủ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, kính mong các cấp thẩm quyền mở nhiều lớp tập huấn tuyên truyền về khai thác bất hợp pháp cho các tài công, chủ tàu và ngư dân để kịp thời nắm bắt thông tin về đánh bắt hải sản trái phép. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề để lên đất liền làm việc được ở gần gia đình nhiều hơn" - anh Danh Hường kiến nghị

iuu-nhan-1.jpg
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, trân trọng tiếp thu tất cả các ý kiến rất quý báo, tâm huyết của các đại biểu, diễn giả và bà con ngư dân đã trao đổi, chia sẻ.

“Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang tiếp tục khẳng định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài trong thời gian tới. Mạnh dạn khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo niềm tin và quyết tâm trong chống khai thác IUU cũng như chuyển đổi sang khai thác hải sản có trách nhiệm hơn với cộng đồng" - ông Nhàn nhấn mạnh

Với chương trình hành động của tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, các đơn vị đóng trên địa bàn cùng các sở, ban, ngành và địa phương tập trung các đợt cao điểm, huy động mọi nguồn lực triển khai động bộ, hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay. Tất cả cùng đồng hành, hỗ trợ bà con ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU.

Ông Nhàn mong muốn chủ doanh nghiệp, chủ tàu và bà con ngư dân mình, những người đại diện hôm nay cho hơn 200.000 lao động trong ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang sẽ cùng chính quyền địa phương quyết liệt tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản.

Xin thay mặt tỉnh Kiên Giang, ông Nhàn cảm ơn Báo Pháp luật TP.HCM đã chủ trì phối hợp với tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo cũng như Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" tại tỉnh Kiên Giang. “Đây là hoạt động thiết thực, là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân yên tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm