+Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 12 giờ trưa 7-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.7 độ Vĩ Bắc; 107.3 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Dự báo đến chiều tối nay, bão số 3 sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Khoảng 19 giờ, cường độ bão còn mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Hiện nay vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối nay).
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-4,0m.
Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá) đến 2,0m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 07/9. Ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5m vào khoảng sáng và trưa nay.
Dự báo từ nay đến sáng 9-9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm hôm nay, phía Tây Bắc Bộ từ tối nay đến đêm 8-9).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh.
+ Trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sáng nay, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thành lập + để chỉ đạo công tác phòng, chống bão.
Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.
Tin nhanh của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 4 giờ sáng, tâm bão số 3 đang ở khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 108.7 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 180 km. Cường độ bão vẫn đang duy trì cấp 14, giật cấp 17.
Dự báo trong ngày hôm nay, cuồng phong YAGI tiếp tục đi sâu vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Thời điểm bão vào đến vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, bão vẫn rất mạnh, cấp 12, giật cấp 15. Đây là cấp gió rất mạnh, có thể phá huỷ các công trình không kiên cố.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, ở Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 11 giật cấp 12.
Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6 giật cấp 8; Quảng Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 5 giật cấp 7; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 7 giật cấp 8; Cô Tô (Quảng Ninh) gió giật mạnh cấp 7.
Phù Liễn (Hải Phòng) gió giật mạnh cấp 6.
Ba Lạt (Thái Bình) gió giật cấp mạnh 7. Văn Lý (Nam Định) gió giật cấp mạnh 7.
Đêm qua (6-9), sau khi vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) đi vào vịnh Bắc Bộ, siêu bão số 3 đã suy yếu rõ rệt. Từ cấp siêu bão đã giảm xuống cấp cấp 14 - cấp bão cuồng phong, giật cấp 17.
Nếu như tại thời điểm bão đi vào đảo Hải Nam vẫn có thể nhìn rõ mắt bão thì những giờ gần đây không còn quan sát thấy mắt bão, các khối mây vùng trung tâm bão đã bớt đậm đặc hơn.
Những ngày này, bên trong Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thuỷ văn (Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia), đêm cũng như ngày, ánh đèn không bao giờ tắt. Rất nhiều cán bộ, nhân viên của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn quốc gia đang hết sức tập trung theo dõi từng diễn biến của bão số 3 để kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
Dưới đây là chia sẻ của Dự báo viên Nguyễn Thị Thanh Bình, Phòng Dự báo số và Viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia trong ca trực từ tối 6-9 đến 8 giờ sáng 7-9:
“Trong Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thuỷ văn, khi có bão không khí làm việc đêm cũng như ngày, luôn bận rộn. Dự báo viên, mỗi người một vị trí công việc khác nhau. Nhiệm vụ của tôi đêm nay là thường xuyên theo dõi cơn bão từ các bức ảnh vệ tinh.
Bạn cứ hình dung thế này, hầu hết thời gian trong vòng đời của cơn bão là ở trên biển. Nơi đó, khó có thể ra để đo đạc cả theo cách thông thường. Giám sát nó, theo dõi nó mạnh lên hay yếu đi, di chuyển thế nào… Tất cả đều dựa trên những bức ảnh chụp từ vệ tinh. Phân tích ảnh vệ tinh chính là nhiệm vụ của tôi.
Đêm nay, ngồi theo dõi những bức ảnh vệ tinh chụp liên tục 10 phút một lần. Cứ đúng giờ tròn, tôi cần ra một bản tin bão. Tin này gọi là “Tin nhanh”. Tin nhanh cần ngắn gọn. Tin này cần up lên web sau giờ tròn 15 phút, ví dụ: 09 giờ 15, 10 giờ 15… Ba giờ một lần các đồng nghiệp của tôi sẽ đưa ra một bản tin với các khuyến cáo đầy đủ hơn. Tin này gọi là “Tin bão khẩn cấp”. Bản tin này rất dài. Tin bão sẽ ngay lập tức gửi đi khắp mọi nơi.
Vâng, đêm nay tôi sẽ liên tục ngồi theo dõi ảnh vệ tinh 10 phút một lần và mỗi giờ soạn một bản tin.
Dự báo viên không xem ảnh vệ tinh như một bức tranh mà sử dụng một phần mềm chuyên dụng để phân tích. Có tới tất cả 16 kênh phổ với các bước sóng khác nhau được thu nhận 10 phút một lần. Để xác định cơn bão đang có cường độ bao nhiêu, dự báo viên sử dụng phần mềm này để đo đạc tính toán.
Trên ảnh vệ tinh lúc 4 giờ sáng, vùng mây bão che phủ khắp vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, vùng mây ngay phía nam của tâm bão (phần màu trắng) là vùng có nhiệt độ đỉnh mây lạnh hơn -81 độ C.
Nhiệt độ đỉnh mây như là một thông số để đánh giá sự phát triển của mây đối lưu xung quanh tâm bão. Nhiệt độ càng lạnh chứng tỏ tháp mây phát triển càng cao, bão vẫn còn mạnh.
4 giờ sáng bão vẫn cấp 14, vẫn giữ tốc độ cũ và chỉ còn cách Quảng Ninh 180 km thôi.
Xong bản tin, đứng trên tầng cao nhìn ra ngoài thấy yên ắng quá. Một sự yên tĩnh trước cơn bão nhưng đầy áp lực với các dự báo viên. Tự dưng thấy mình tỉnh táo như chưa hề thức xuyên đêm.
Trao đổi lúc 5 giờ sáng, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết sau khi vào vịnh Bắc Bộ, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ nhanh 20km/giờ.
Hiện bão chỉ còn cách đất liền nước ta xấp xỉ 200 km. Bão gây gió mạnh cấp 11, giật cấp 13 ở khu vực Bạch Long Vỹ. Tại Móng Cái, Cửa Ông cũng bắt đầu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Trong sáng và trưa nay, gió trên đất liền sẽ tiếp tục mạnh dần lên, mở rộng dần xuống phía Nam tỉnh Quảng Ninh, sau đó lan ra các tỉnh Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định và các tỉnh khác ở phía Đông Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
“Tôi lưu ý, sóng lớn ở vịnh Bắc Bộ sẽ duy trì liên tục từ giờ đến trưa nay. Ở ven bờ cảnh báo nước dâng 0,5-2 m. Khu vực ven biển Quảng Ninh có nước dâng cao nhất có thể lên tới 2 m. Cao điểm xảy ra nước dâng trong sáng đến trưa nay” - ông Lâm nói.
Về mưa lớn, bây giờ là thời điểm bắt đầu mưa ở Đông Bắc Bộ, cao điểm mưa từ trưa đến tối nay, lượng mưa phổ biến 100-350 mm. Với các tỉnh nằm sâu trong đất liền, mưa xuất hiện muộn hơn nhưng sẽ kéo dài hơn.
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10. Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 7, giật cấp 8.
Dự báo 16 giờ chiều 7-9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/giờ, gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Các khu vực chịu ảnh hưởng của bão gồm Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng; khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá.
Đến 4 giờ ngày 8-9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, khi đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần. Khu vực chịu ảnh hưởng thuộc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7-9).
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0 m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0 m, sau tăng lên 2,0-4,0 m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0 m.
Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá) -2,0 m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7-9. Ven biển Quảng Ninh -Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5m vào khoảng sáng và trưa ngày 7-9.
Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.
Theo dự báo, từ ngày 7-9 đến sáng 9-9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến 100-350 mm, có nơi trên 500 mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7-9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7-9 đến đêm 8-9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh
Trước thời điểm bão số 3 đổ bộ đất liền, Bộ NN&PTNT đã gửi tin nhắn tới thuê bao điện thoại của người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão để hướng dẫn cách phòng chống bão.
“Bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền vào chiều tối ngày 07/9. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, đề nghị người dân khẩn trương thực hiện:
- Đưa tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn, giữ thông tin liên lạc.
- Không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản.
- Chằng chống nhà cửa, các biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây.
- Sơ tán người dân ra khỏi những nơi không an toàn, hạn chế ra ngoài khi bão đổ bộ; không tập trung ở những nơi đông người khi bão đổ bộ.
- Không đi lại, đánh bắt cá, vớt củi ở bờ sông, suối; những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngầm tràn.
- Dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh.
- Tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương.
- Thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin chỉ đạo của các cơ quan, chính quyền địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời ứng phó”.
Chiều 6-9, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.
Tham gia đoàn công tác có ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương; bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội. Đoàn công tác đã kiểm tra việc cung ứng hàng hoá tại 2 siêu thị lớn là Winmart Royal City và và Big C Thăng Long.
Tại siêu thị WinMart Royal City, đại diện siêu thị thông tin, để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu, WinMart đã chủ động làm việc với nhà cung cấp qua đó dự trữ tăng thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, WinMart đã sẵn có các nhóm thực phẩm khô, sản phẩm trữ mát và hàng đông lạnh phục vụ khách hàng.
Tại siêu thị Big C Thăng Long, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết, để đảm bảo hàng hoá cung ứng kịp thời cho người tiêu dùng, liên tục từ hai ngày hôm nay, Big C Thăng Long đã tăng lượng hàng hoá lên 300%. Trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt cá…
Đối với hoạt động bình ổn giá, Big C Thăng Long đã làm việc và ký cam kết với nhà cung cấp để đảm bảo giữ ổn định giá cả trong một thời gian dài. Do đó, chắc chắn sẽ không có tình trạng Big C Thăng Long tăng giá dịp này, người dân không nên quá lo lắng.
Tại siêu thị GO!, Big C miền Bắc đã tăng thêm thời gian mở cửa kéo dài tới 23 giờ, thay vì 22 giờ như ngày thường.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, trong bất kỳ tình huống nào thì hệ thống siêu thị và chợ truyền thống luôn đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Lúc 5 giờ sáng 7-9, tâm bão số 3 đang cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng 190 km, cường độ bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17.
Tại Hà Nội: 5 giờ 30 phút tại Hà Đông trời có lúc có mưa rơi lác đác. Bầu trời Hà Nội xám xịt, gió lạnh, khả năng sẽ có một trận mưa to sắp trút xuống.
Đến 6 giờ 30, Hà Nội bắt đầu có mưa nhỏ, gió nhẹ. Nằm sâu trong đất liền và cách xa tâm bão, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ từ nay đến trưa sẽ xuất hiện những cơn mưa, gió ngắt quãng như vậy. Tuy nhiên khác với hôm qua, lúc nắng, lúc mưa, bầu trời hôm nay sẽ nhiều mây.
Tại Quảng Ninh:
Ghi nhận của PV, lúc 5 giờ 30 phút tại TP Hạ Long đã có mưa nặng hạt và gió nhẹ, trên bầu trời mây đen bao phủ và di chuyển theo từng đợt gió tỏa vào khắp thành phố.
Diễn biến này trái ngược hoàn toàn so với một ngày trước đó, 6-9, nơi đây hầu như không mưa, trời nóng, oi bức.
Tại các tuyến phố, hiện vẫn còn một số người dân di chuyển mặc dù được khuyến cáo ở yên trong nhà trong ngày 7-9. Người dân cũng đỗ xe gọn gàng, thu gọn tài sản di chuyển đến nơi an toàn để phòng tránh bão số 3 theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Cập nhật đến 6 giờ sáng nay, 7-9, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết bão số 3 đang ở khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 108.3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 160 km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20 km/giờ.
. Trước đó, ngày 6-9, Thủ tướng có công điện gửi lãnh đạo 25 tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan yêu cầu tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Trong công điện, Thủ tướng cho biết bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.
Từ ngày 7-9 bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng tại các Công điện 86 ngày 3-9 và 87 ngày 5-9, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP liên quan, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
. Theo tin nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cập nhật đến 5 giờ 30 phút sáng nay, 5 tỉnh, TP ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã có mưa nhỏ dưới 10 mm.
Dự báo từ nay đến sáng 9-9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có mưa lớn phổ biến từ 100-350 mm, có nơi trên 500 mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7-9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7-9 đến đêm 8-9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.426 tàu/220.805 người để chủ động tránh trú; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển.
Tình hình sơ tán, di tán dân cư: Đã sơ tán 47.151 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 18.762 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 734 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Nông nghiệp: Hiện còn 458.000 ha lúa mùa khu vực Đồng bằng sông Hồng đang trỗ, chín sáp, phân hóa đòng.
Tại Thái Bình: 6 giờ 30 phút tại cây xăng xã Đông Các, huyện Đông Hưng, có mưa tầm tã, gió mạnh tầm cấp 3-4, đường xá vắng ít xe cộ qua lại.
Theo Khí tượng thủy văn Thái Bình, cả đêm ngày 6-9 cho đến rạng sáng nay toàn tỉnh Thái Bình có mưa, nhiều khu vực gió to.
Trong ngày hôm nay (7-9), vùng biển ngoài khơi Thái Thụy- Tiền Hải có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 12-13, sóng biển cao 3,0-5,0 m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển cần đề phòng có nước biển dâng, với sóng lớn kết hợp với thuỷ triều, mực nước dâng tổng cộng cao 3,5 - 4,0m.
Còn tại khu vực đất liền, trong sáng nay tiếp tục có gió bão mạnh cấp 6, cấp 7, trưa chiều tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10-12. Từ nay đến ngày 9-9, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng phổ biến từ 200 -300 mm.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình cũng cho hay toàn tỉnh sau 18 giờ ngày 6-9 đã hoàn thành việc di dời, sơ tán hơn 18.000 người dân (trong tổng số 7.731 hộ dân) ở các nhà yếu, nhà nguy hiểm về nơi tránh trú bão an toàn.
Tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng), mưa nhỏ từ sáng sớm nay, gió chưa quá mạnh.
Trong nội thành Hải Phòng, trời cũng có lúc mưa, lúc không, gió cấp 4-5.
Tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh: Sáng nay có gió mạnh cấp 7, giật cấp 12. Trước đó, trời có mưa to, gió giật mạnh cấp 10, mất điện toàn huyện.
Huyện đã thực hiện di tản gần 800 người đến nơi tránh bão an toàn đảm bảo các điều kiện sinh hoạt đồng thời lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân, bố trí các điểm trú bão an toàn.
Chính quyền các xã, thị trấn đã bố trí các điểm trú bão an toàn cho các hộ dân có nhà xuống cấp, mái tôn, mái ngói kinh tế mới (xây dựng từ năm 1997) có nguy cơ tốc mái, sập đổ tại các nhà nghỉ, khách sạn, nhà văn hóa, trường học; một số hộ di tản đến nhà người thân.
Còn ở đảo Bạch Long Vỹ, TP Hải Phòng, ghi nhận vào 6 giờ sáng 7-9 có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14...
4 sân bay tạm thời đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy
Do ảnh hưởng của siêu bão số 3, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng không dân dụng, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại các cảng hàng không nằm trong vùng ảnh hưởng của siêu bão trong ngày hôm nay 7-9, cụ thể:
Sân bay Vân Đồn, tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 4-16 giờ; sân bay Cát Bi tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 5-16 giờ; sân bay Nội Bài ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 10-19 giờ; sân bay Thọ Xuân ngừng tiếp thu, khai thác máy bay từ 12-22 giờ.
Riêng sân bay Nội Bài, Cục Hàng không quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng tiếp thu, khai thác thêm 2 giờ, từ 10-21 giờ.
Theo tính toán của nhà chức trách hàng không, siêu bão số 3 ảnh hưởng đến khoảng 240 chuyến bay nội địa và 70 chuyến bay quốc tế.
Cục Hàng không dự kiến hơn 110 chuyến bay của Vietnam Airlines sẽ bị hủy và điều chỉnh giờ khai thác. Theo đó, hãng này sẽ hủy 34 chuyến bay và điều chỉnh giờ khai thác của 78 chuyến bay nội địa, quốc tế.
Để đảm bảo an toàn khai thác, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không chỉ đạo các tổ bay bổ sung thêm dầu dự trữ (đối với các chuyến bay trong khung giờ từ 21 giờ ngày 7-9 đến 2 giờ ngày 8-9 để phòng trường hợp phải bay chờ, chuyển hướng đến sân bay dự bị.
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, tính đến sáng nay, toàn tỉnh đã tổ chức di dời 2.053 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng.
Trong đó, huyện Tiên Yên 85 hộ, TX Đông Triều 366 hộ, TP Hạ Long 16 hộ, huyện Cô Tô 455 hộ, huyện Hải Hà 371 hộ, huyện Vân Đồn 760 hộ.
Các địa phương bố trí đầy đủ nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân trong những ngày bão về, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ.
7 giờ sáng 7-9, đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thị sát tình hình bão tại Cảng Quốc tế Tuần Châu.
Hiện các tàu du lịch đã ở khu neo đậu tránh trú bão an toàn, không còn khách du lịch ở các tuyến đảo. Hơn 2000 khách du lịch đều đang lưu trú ở đất liền.
Sau đó đoàn đến kiểm tra tại hồ Yên Lập. Trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, lượng nước trữ tại hồ Yên Lập ở mức 87%. Ngày 5-9, hồ thủy lợi Yên Lập đã mở cửa xả lũ công suất 100 m3/s.
Đến sáng nay, hồ Yên Lập đã tăng công suất xả lũ lên 160 m3/s để đảm bảo an toàn.
Hồ thủy lợi Yên Lập có dung tích 127 triệu m3, là hồ chứa lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho thành phố Hạ Long, TP Uông Bí và thị xã Quảng Yên.
Ghi nhận ở trung tâm TP Hải Phòng lúc 8 giờ sáng, gió bắt đầu mạnh lên, có mưa nhỏ. Trên các tuyến phố trung tâm thường ngày vẫn đông nườm nượp người qua lại như Tô Hiệu, Lạch Tray hiện tại vắng người qua lại.
Nhiều hàng quán đã đóng cửa, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng cho người lao động nghỉ để bảo đảm an toàn trước bão số 3.
Một số chợ dân sinh vẫn mở cửa, bảo đảm cung cấp thực phẩm cho người dân.
Vị trí tâm bão số 3 lúc 7 giờ sáng 7-9 đang ở khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 108.2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 153 km.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 17.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, lúc 7 giờ sáng nay, mưa to, gió giật cấp 15, 16, toàn bộ người dân ở nguyên tại chỗ, không di chuyển ra ngoài.
Dù đã công tác ở đảo Bạch Long Vĩ nhiều năm nhưng Phó chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ Nguyễn Công Diễn, cho biết phải đến 15 năm nay tại đảo mới cảm nhận được cơn bão mạnh đến như vậy.
“Lần gần nhất gió mạnh như này từ cơn bão năm 2009, khi đó ngoài đảo thiệt hại rất lớn” - ông Diễn nói.
Theo thông tin từ huyện đảo Bạch Long Vĩ, qua quan trắc, đến thời điểm khoảng 9 giờ sáng nay gió đang ở cấp 15, giật cấp 16-17
Tại Quảng Ninh: Khu vực cầu Bãi Cháy, Hạ Long lực lượng chức năng đang chuẩn bị cấm người đi bộ, các phương tiện xe thô sơ, xe máy qua cầu, dự kiến cấm khi khi có gió cấp 6.
TP Hải Phòng: Lúc 9 giờ sáng nay, theo ghi nhận của ngư dân Nguyễn Văn Cường, đang neo đậu bè nuôi cá lồng tại khu vực vịnh đảo Long Châu thuộc đảo Cát Bà. Mưa gió đã xuất hiện từ đêm qua, không quá lớn.
Tuy nhiên, đến sáng nay, theo phán đoán của ông Cường, ngoài biển khu vực đảo gió giật cấp 11 - 12, phía trong vịnh nơi các tàu thuyền và bè nuôi cá đang neo đậu gió giật khoảng cấp 5 -6; mưa khá lớn, bè mảng rung lắc mạnh.
Trong trường hợp mưa gió to hơn nữa, các ngư dân sẽ được phép di chuyển lên đảo Long Châu tranh trú theo sự chỉ huy của Đồn Biên phòng Cát Bà.
Trung tá Phan Đức Long, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Bà, cho biết sáng nay khu vực cầu tàu đảo Cát Bà có mưa gió, tuy nhiên không lớn vì là khu vực trong vịnh. Gió chỉ khoảng cấp 4 – 5; các tàu thuyền đã được đưa vào tranh trú an toàn từ ba hôm trước.
Toàn bộ cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cát Bà đang trực sẵn sàng chiến đấu 100%, sẵn sàng cơ động đi ứng phó bão.
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Hải Phòng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 14, giật cấp 15-16 (mưa 88 mm), Hòn Dấu cấp 4, giật cấp 7 (mưa 15 mm), Phù Liễn cấp 6, giật cấp 8 (mưa 11 mm).
Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Vùng ven biển Hải Phòng có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14.
Khu vực sâu trong đất liền Hải Phòng có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày hôm nay 7-9).
Ghi nhận thực tế tại quận Đồ Sơn, gió mạnh khoảng cấp 7, trời có mưa. Sóng biển êm. Một số cây cối đã bị đổ do ảnh hưởng của bão.
Ông Đức, người dân phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, cho biết một năm Đồ Sơn hứng chịu vài cơn bão, tuy nhiên chưa khi nào ông thấy bão lớn như cơn bão này.
****
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết hiện tâm bão số 3 đang còn cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình khoảng 130 km. Thời gian tới bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20 km/giờ. Khoảng chiều nay bão có khả năng đi vào đất liền, gây gió mạnh cấp 10, 11, 12 ở Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định; cấp 8-10 ở Nam Định, Thanh Hoá, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu bão rộng. Mặc dù Hà Nội không nằm trong vùng trọng tâm ảnh hưởng của bão nhưng từ chiều và tối nay, Hà Nội vẫn có gió cấp 6-7, giật cấp 9-10 và mưa lớn với lượng 150-350 mm.
Chúng tôi khuyến cáo người dân trong chiều và tối nay khi bão số 3 tác động trực tiếp, cùng với gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 có thể làm gãy, đổ cây, làm bay mái tôn, biển quảng cáo. Do vậy người dân cần hạn chế và tốt nhất không nên ra ngoài đường. Mưa lớn cũng gây ngập úng, người dân cần có phương án phòng chống để hạn chế thiệt hại trong chiều và đêm nay.
Trao đổi thêm với PLO, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đang họp ở Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia về công tác dự báo bão số 3. Sau khi họp xong, Phó Thủ tướng sẽ đi Hải Phòng, lập Sở chỉ huy tiền phương chống bão ở Hải Phòng.
Hiện Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đang họp ở Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thuỷ văn quốc gia) về công tác dự báo bão số 3.
Làm việc với Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin ngắn gọn, chính xác và đánh giá tình hình hiện nay khi cơn bão này chính thức đổ bộ; dự báo thời điểm tác động trực tiếp đến các vùng ven biển và đất liền (từ 11h tới 17 giờ ngày 7-9).
Đồng thời phải đưa ra các khuyến cáo, dự báo tình huống cụ thể ở các địa phương và vùng đất liền, từ đó đưa ra phương hướng xử lý khẩn trương, kịp thời.
Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.
"Công tác dự báo phải theo sát diễn biến, cập nhật liên tục, nhất là từng thời điểm khi hoàn lưu bão vào, bão đổ bộ, hoàn lưu sau bão, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời, để người dân nắm được tình hình để chủ động phòng tránh theo hướng dẫn của lực lượng chức năng" - Phó Thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết các hồ chứa ở Bắc bộ đã được đưa về mức nước tích lũ. Hệ thống đê biển, đê ven sông có khả năng bị tràn, khi có sóng lớn, lũ dâng và các địa phương đã có phương án ứng phó.
Theo Trung Tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, đến nay Bộ Quốc phòng đã bố trí gần 100.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện đặc chủng, sẵn sàng ứng phó bão số 3 trong mọi tình huống.
Trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão.
Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội, mưa dông, lốc chiều 6-9 đã làm một người chết, sáu người bị thương; 229 cây xanh bị gãy, đổ và một xe máy, hai ô tô bị hư hỏng.
Ở cấp độ địa phương, Quảng Ninh vừa thông tin nhanh về công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn. Theo đó, đến 7 giờ sáng nay, dung tích các hồ chứa lớn trên địa bàn đang ở mức 277,4 triệu m3, tương đương 86,8% dung tích thiết kế.
Với tình hình này, hồ Yên Lập đang xả tràn 15 m3/s, hồ Tràng Vinh xả tràn 29,69 m3/s, hồ Chúc Bài Sơn xả tràn 8,74 m3/s.
Quảng Ninh có năm trạm bơm tiêu úng cho thị xã Đông Triều thì đều trong tình trạng sẵn sàng hoạt động khi có yêu cầu.
Về các tuyến đê trên địa bàn thì chỉ có đê Hà Nam ở huyện Quảng Yên là đang thi công hai cống tiêu qua đê. Hiện tại đã hoàn thành các hạng mục phía biển, đã đắp hoàn trả đỉnh đê, xếp rọ đá gia cố đỉnh đê, trải vải bạt chống sóng để phòng nước dâng do bão.
Về điều hành giao thông, tỉnh đã tổ chức lực lượng ứng trực tại các vị trí đầu mối như cầu Bãi Cháy, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, các ngầm tràn. Theo đó, với cầu Bãi Cháy sẽ tạm dừng cho người và phương tiện thô sơ qua lại khi gió trên cấp 6.
Thời điểm 9 giờ sáng nay, theo ghi nhận của phóng viên, cầu Bãi Cháy đã tạm đóng cửa.
Hồ thủy điện Tuyên Quang ở khu vực Đông Bắc bộ đang ở mực nước 114,6 m thấp hơn khá nhiều so với mực nước dân bình thường 120 m. Mưa đầu nguồn chưa nhiều, nên lượng nước về hồ 616 m/s, chưa cần xả mà dùng hết cho phát điện với lưu lượng 612,89 m/s.
Ở khu vực Tây Bắc bộ, hồ thủy điện Lai Châu ở bậc thang cao nhất trên đầu nguồn sông Đà được phép duy trì ở mực nước khá cao, 293,08 m so với mực nước dân bình thường 295 m. Nước thượng nguồn về hồ đang ở mức 1.481 m/s và được dùng cho phát điện với lưu lượng 968 m/s. Toàn bộ lượng nước này sẽ đổ xuống hồ thủy điện Sơn La bên dưới.
Tại hồ Sơn La, mực nước sáng nay đang ở mức 208,44 m so với mực nước dâng bình thường 215 m. Tổng lượng nước về hồ 2.073 m/s, theo chế độ vận hành hài hòa cả chống lũ và năng lượng thì mới chỉ dùng cho phát điện với lưu lượng 356 m/s.
Hồ thủy điện Hòa Bình thời điểm 8 giờ sáng nay, đang ở mực nước 110,97m so với mực nước dâng bình thường 117 m. Nước về từ hồ Sơn La đổ xuống cùng các nguồn nước khác trong lưu vực, với lưu lượng không lớn, 667 m/s.
Tuy nhiên, Hòa Bình đang vận hành theo chế độ xả lũ để giảm độ cao nước trong hồ. Tổng lượng xả lên tới 3.800 m/s trong đó vận hành hết các tổ máy chỉ chỉ dùng tới 2.120 m/s
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội, mưa dông, lốc chiều 6-9 đã làm một người chết (Bà Lê Thị Tình, sinh năm 1983, HKTT tại xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá), sáu người bị thương; 229 cây xanh bị gãy, đổ và một xe máy, hai ô tô bị hư hỏng.
Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã thăm hỏi gia đình người bị nạn, huy động lực lượng khắc phục hậu quả.
Lúc 10 giờ 15 phút, ghi nhận trực tiếp ngoài đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) hiện nay gió đã giật cấp 9, cấp 10, có mưa lớn.
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, đã có một số thiệt hại nhỏ liên quan đến đường dây điện.
Huyện đã lập hai tổ công tác chỉ đạo điều hành phòng chống bão số 3 tại hai đảo Cát Bà và Cát Hải do các lãnh đạo UBND huyện làm tổ trưởng. Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền về diễn biến của Bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân nắm rõ, chủ động phòng tránh.
Theo báo cáo mới nhất của huyện, UBND huyện Cát Hải đã hoàn thành công tác sơ tán nhân dân tại các vị trí xung yếu về nhà người thân, nơi tránh trú an toàn với tổng số 288 hộ/754 người. Trong đó gia đình chính sách: 122 người, người già: 191 người, trẻ em: 156 người, phụ nữ: 133 người, lao động khác: 152 người.
Từ 21 giờ 30, ngày 6-9 đã thực hiện xong việc sắp xếp cho 205 công nhân của các nhà thầu xây dựng các dự án trên địa bàn thị trấn Cát Hải tránh trú an toàn tại ba điểm là Nhà văn hóa Tổ dân phố Đôn Lương, Trường Mầm non thị trấn Cát Hải và Trung tâm Văn hóa thị trấn Cát Hải.
Lúc 10 giờ, vị trí tâm bão số 3 đang ở trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở cấp 13 (134-149 km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20 km/giờ.
Lúc 10 giờ 30 phút, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết hiện tại hoàn lưu bão đang ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta, trọng tâm là Quảng Ninh - Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Dự báo từ nay đến cuối giờ chiều, hoàn lưu bão tiếp tục gây gió mạnh cho khu vực phía Đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Trong tối nay cơn bão này sẽ đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.
Hiện tại, dù bão chưa vào đất liền nhưng đã gây ra gió rất mạnh. Ở khu vực Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 12. Những giờ tới cơn bão này tiếp tục gây gió mạnh cho khu vực này.
Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm qua mưa đã xuất hiện ở nhiều nơi. Dự báo từ nay đến hai ngày tới, mưa tiếp tục diễn ra ở khu vực Bắc Bộ, trong đó lượng mưa nhiều nhất tập trung ở khu vực Đông Bắc Bộ.
Sau khi bão qua, nguy cơ về gió không còn nhưng còn nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ nay đến hai ngày tới vẫn hiện hữu nên chúng ta vẫn cần đề cao cảnh giác.
Hiện khu vực Hà Nội đang có mưa, sẽ kéo dài đến ngày mai. Sau đó còn có thể có các hiện tượng mưa giông sau bão, nên người dân cần chú ý đề phòng.
10 giờ sáng 7-9, ghi nhận của PLO tại khu vực biển Đồng Châu, huyện Tiền Hải, Thái Bình cho thấy có mưa lớn, gió bắt đầu mạnh lên giật cấp 9, cấp 10 và đang tiếp tục có dấu hiệu mạnh lên.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Tiền Hải, đến 9 giờ sáng nay trên địa bàn huyện đã có gió to và mưa. Các địa phương đã chủ động kêu gọi toàn bộ tàu thuyền, ngư dân, lao động làm ăn trên biển, tại các chòi ngao, khu nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú bão an toàn. Tổ chức đưa người dân ở nhà yếu, xập xệ, người già cả neo đơn đến nơi trú ẩn kiên cố.
Huyện duy trì chế độ trực 100% lực lượng, cử cán bộ phụ trách từng địa bàn để đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại do bão gây ra.
Còn báo cáo của UBND huyện Thái Thuỵ, cho biết đến thời điểm sáng cùng ngày, huyện đã huy động 12 máy xúc, 27 ô tô vận tải để thực hiện công tác chuẩn bị ứng phó với bão; đã đóng được 9.750 bao cát (khoảng 300 m3) để chủ động xử lý các điểm xung yếu đối với đê điều tại địa phương.
Cùng với đó, các xã của huyện Thái Thuỵ luôn duy trì 30 - 35 người túc trực (10 - 15 người tại trụ sở xã, thị trấn; 30 - 35 người tại các cơ sở thôn, tổ dân phố và tại các điểm xung yếu); Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng huyện trưng dụng, huy động 10 máy xúc, 10 ô tô tải túc trực tại các điểm theo chỉ đạo để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra tại địa phương.
Trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, thông tin với PLO lúc 11 giờ, Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết đã yêu cầu cấm người dân lưu thông trên một số cây cầu từ 10 giờ 30. Trong đó, cấm người dân di chuyển qua cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Bính, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện.
Trước đó, từ 8 giờ 30, khi gió chưa giật mạnh, lực lượng chức năng đã bố trí rào chắn cùng cảnh sát giao thông hướng dẫn người đi xe máy qua cầu an toàn.
Thông tin từ UBND TP Hải Phòng, trong sáng 7-9, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kèm gió mạnh đã khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ trên địa bàn quận Đồ Sơn, Ngô Quyền, Hồng Bàng; huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Hiện đã có thiệt hại nhỏ liên quan đến đường dây điện ở huyện Cát Hải (TP Hải Phòng).
Theo báo cáo, một số quận huyện trên địa bàn xuất hiện tình trạng cây xanh bị gãy, đổ.
Tại đường Trần Phú và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền), chính quyền địa phương đã phối hợp với công ty TNHH MTV cây xanh Hải Phòng xử lý, vận chuyển một số cây đổ, không có thiệt hại về người.
Tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, nhiều cây phượng cũng gãy đổ trên đường ra khu II Đồ Sơn khiến giao thông bị ảnh hưởng.
Tương tự, các huyện ngoại thành như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo ghi nhận tình trạng một số cây xanh bị đổ ngã, chắn ngang đường.
Ngay khi nắm bắt tình hình, chính quyền các địa phương đã phối hợp cùng các đơn vị khắc phục nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt.
Đến trưa 7-9, bão số 3 đã đổ bộ vào huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), cường độ cấp 13, giật cấp 16, di chuyển theo hướng Đông Nam. Hiện tại, gió liên tục tăng và chưa có dấu hiệu giảm.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn huyện đảo Cô Tô bị mất điện.
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, 30 điểm dây điện bị đứt; mất kết nối hệ thống cáp quang mạng viễn thông; 6 tàu tại khu vực âu tàu bị đắm; khoảng 100 nhà dân, trụ sở, trường học, khách sạn bị tốc mái tôn, chưa có nhà bị sập; trên 80 cây xanh hai bên đường bị gãy đổ.
Theo tin từ Công ty Điện lực Quảng Ninh, tính đến 10 giờ sáng nay, 40% khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh đã bị mất điện, huyện Cô Tô mất toàn bộ.
Tại TP Hạ Long nhiều khu vực cũng đang trong tình trạng mất điện, ngoài trời gió lớn cùng mưa to.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố từ đường dây 110kV và do cây cối gẫy đổ vào đường dây, cột điện.
Hiện đơn vị đang tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để có các phương án ứng phó sau khi bão độ bộ.
Trưa 7-9, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia), cho hay đến hiện tại, bão số 3 đã tiệm cận sát bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.
Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3 nên tại đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Thiên Yên (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12; Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Cửa Ba Lạt (Thái Bình) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to.
Cụ thể, tại Cửa Ông có lượng mưa 113 mm, Cẩm Phả là 110 mm, Cát Bà là 86 mm. Dự báo 1 đến 3 giờ tới vùng tâm bão sẽ di chuyển vào Quảng Ninh, Hải Phòng với cường độ mạnh cấp 10, cấp 12, và sau đó bão sẽ di chuyển sâu vào trong đất liền.
Dưới tác động mạnh của hoàn lưu bão thì từ nay tới chiều, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định sẽ có gió mạnh cấp 9, cấp 12. Trong đó, Hải Phòng, Quảng Ninh là khu vực có gió mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15. Khu vực Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá sẽ có gió mạnh cấp 9, 10 và giật cấp 13. Những tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên sẽ có gió mạnh cấp 7, cấp 8.
Với những tác động trực tiếp từ bão là mưa và gió mạnh, gió mạnh là lúc tâm bão đang đi vào mạnh nhất, do đó người dan không nên ra khỏi nhà, luôn tìm nơi trú, tránh. Thêm vào đó, từ chiều trở đi, hiện tượng ngập lụt, lở đất, lũ quét… sẽ xuất hiện ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn.
Với thủ đô Hà Nội, tác động của bão sẽ chậm hơn so với khu vực ven biển, thời điểm từ 15 đến 16 giờ trở đi sẽ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, khả năng có gió giật cấp 9, cấp 10. Khoảng 18 đến 19 giờ sẽ là thời điểm gió bão ở khư vực Hà Nội diễn ra mạnh.
Nam Định: Gió giật cấp 12 – 13, sóng biển cao 2 đến 4 m
Trưa ngày 7-9, UBND tỉnh Nam Định đã có báo cáo nhanh về tình hình phòng chống bão số 3. Nam Định đã chịu ảnh hưởng lớn của bão, trong đó trên biển có gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15 -16, biển động dữ dội.
Vùng ven biển (các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thuỷ) có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13. Vùng biển tỉnh Nam Định độ cao sóng từ 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0 -4,0m, vùng gần tâm bão 3,0 - 5,0m; biển động dữ dội.
Tại khu vực đất liền (các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực và TP. Nam Định) có gió mạnh cấp 6, sau mạnh dần lên cấp 8 - 9, giật cấp 10 – 11.
Tỉnh Nam Định đã sơ tán toàn bộ 734 lao động ngoài các lều, chòi nuôi trồng thủy sản, các lao động trên các lồng bè. Các huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, có phương án sẵn sàng di dời người dân khi bão ảnh hưởng.
Tại TP Nam Định đã tổ chức di dời 476 hộ/1.009 người thuộc diện nhà yếu, nhà tạm và các khu tập thể cũ đến trú ở trường học, trạm y tế phường, trụ sở UBND phường và trụ sở công an phường…
Lực lượng chức năng TP Nam Định tổ chức di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Ảnh: Trung Kiên
Cấm xe qua cầu Bạch Đằng
Lúc 12 giờ 30 phút, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, cầu Bạch Đằng (trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) có gió đạt ngưỡng cấp 10.
CSGT đã thực hiện cấm phương tiện lưu thông qua cầu.
Cầu sẽ mở lưu thông trở lại khi cấp gió an toàn dưới cấp 10. Hiện Đội lực lượng CSGT đang phối hợp tại hai đầu cầu để thực hiện việc cấm phương tiện qua cầu.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), thiệt hại sơ bộ do bão số 3 gây ra đến 13 giờ trưa nay: Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, bão số 3 đã làm 05 tàu xi măng, 01 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 146 cây xanh bị đổ (Quảng Ninh 100; Hải Phòng 46); 02 cột điện hạ thế, 01 trạm biến thế bị hư hỏng (Hải Phòng); các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thái Bình chưa ghi nhận thiệt hại.