Sáng 10-12, Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay giữa tháng 2-2025, Trung ương sẽ họp và cuối tháng đó Quốc hội cũng họp để sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến tổ chức bộ máy.
Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các Ủy ban của Quốc hội đang tích cực làm việc để xem xét các luật nào có thể phải sửa đổi để phục vụ công tác tinh gọn bộ máy. Các luật được xem xét, sửa đổi có thể là luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Tại phiên họp thứ 40, Chủ tịch Quốc hội thông tin Ủy ban Thường vụ sẽ rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 8, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2024; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 các dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật Báo chí (sửa đổi); dự án Luật Luật sư (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp,
Cũng tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét các nội dung quan trọng về tài chính, ngân sách, gồm việc bổ sung dự toán chi thường xuyên cho Ủy ban Sông Mekong Việt Nam năm 2024; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bổ sung dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.
Cạnh đó là phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2024 kinh phí xử lý bù giá trong bao tiêu sản phẩm dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học, công nghệ của ngân sách trung ương năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trước mắt triển khai ngay các luật vừa được Quốc hội thông qua, đảm bảo luật đi vào thực tiễn, khơi thông tín dụng, ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
"Có 122 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, trong đó có 60 nghị định, quyết định của Thủ tướng cần được ban hành" - ông Trần Thanh Mẫn cho hay.