PVN phải dành 30%-40% thời gian để thanh tra, kiểm điểm

“Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, động viên và khen ngợi PVN. Trong lúc này PVN khó khăn nhất, khó khăn nhất càng phải vững tâm lớn nhất, đoàn kết, vững tin”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói như thế tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sáng 19-7.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại cuộc làm việc với PVN

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua PVN “khủng hoảng, tâm tư” nhưng không vì thế mà không thực hiện nhiệm vụ. Sáu tháng đầu năm, PVN có thành tích tốt, cơ bản các chỉ tiêu hoàn thành tốt. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết Thủ tướng yêu cầu PVN giải trình và có giải pháp xử lý bốn vấn đề. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu PV giải trình việc xử lý một số dự án đầu tư kéo dài, thua lỗ, kém hiệu quả như dự án sinh học Ethanol Phú Thọ, Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ…

“PVN cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án yếu kém... Đề nghị kiên quyết xử lý theo nguyên tắc thị trường, trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN, nhà nước không cấp thêm vốn cho các dự án thua lỗ kéo dài” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Cạnh đó, ông Dũng thông tin Thủ tướng cũng yêu cầu PVN đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2..., đưa vào hoạt động hiệu quả vì các dự án hoạt động góp phần tăng trưởng cho tập đoàn. 

Trong cổ phần hóa, đề nghị PVN tiếp tục xem xét xem vấn đề hiệu quả đích thực, hạch toán chính xác đầy đủ, cơ cấu lại các đơn vị thành viên hoạt động yếu kém.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu PVN xây dựng niềm tin trong đó có vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong quản lý cán bộ, điều hành. “Thủ tướng có nói tôi, đề nghị PVN cần tạo không khí làm việc tốt, đoàn kết cao để phấn đấu hoàn thành vượt các chỉ tiêu, góp phần cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

“Hiện tại, PVN rất khó khăn, hơn bao giờ hết, chúng tôi cần niềm tin của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành vào những người làm dầu khí” - Phó Tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng nói.

Theo ông Hồng, từ đầu năm đến nay, PVN dành 30%-40% thời gian để xử lý các vấn đề trong quá khứ, rất mất thời gian. PVN thường xuyên tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra, rồi dành thời gian kiểm điểm. “Việc này là cần thiết nhưng chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu làm sao để gom lại, làm gọn hơn, để tạo điều kiện cho PVN còn tương lai để phát triển, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng trưởng GDP... Kiểm điểm là cần thiết nhưng những việc đó cần thiết hơn. Chứ như bây giờ, nói thực là không còn tâm trí nào để làm nữa” - ông Hồng tâm tư.

Liên quan đến việc khắc phục các dự án yếu kém, ông Hồng cho rằng đây là “niềm trăn trở vô cùng, là nỗi đau của những người làm dầu khí”.

“Chúng tôi xác định đây là lỗi của ngành, ngành phải khắc phục, phải vào cuộc một cách quyết tâm nhất, quyết liệt nhất. Nhưng vướng, khó vô cùng. Đề nghị các đồng chí hướng dẫn cho PVN nên xử lý thế nào” - ông Hồng nói.

Theo Phó Tổng giám đốc PVN, một mặt Chính phủ chỉ đạo phải xử lý rốt ráo, dứt điểm nhưng lại không cho tiếp tục bơm thêm đồng vốn nào vào nữa. Ông Hồng ví von trường hợp này giống việc một người ốm cần tiền để mua thuốc lại không cho tiền mua thuốc thì làm sao chữa ốm được.

“Kể cả phá sản cũng cần tiền để xác định giá trị doanh nghiệp, bảo vệ các công trình đó cũng cần tiền. Có công ty bây giờ hết không còn đồng tiền nào nữa để làm công tác bảo vệ, tiền điện nước, trả lương... PVN bị chỉ trích rất nhiều nhưng chúng tôi lúng túng, loay hoay không biết làm thế nào” - vẫn lời ông Hồng.

“Đối với các dự án thua lỗ, yếu kém, nếu vận hành đưa vào hoạt động ra sản phẩm thì đó là giải pháp khắc phục tồn tại tốt nhất, tích cực nhất. Nếu những dự án không hoạt động được thì đề nghị Bộ Công Thương, PVN phải có giải pháp, không loại trừ là phá sản, là bán DN. Muốn bán được, phá sản được thì phải hoàn công, quyết toán, xác định giá trị ban đầu, tổng mức đầu tư... chứ bây giờ hồ sơ cũng không hoàn thành được” - Bộ trưởng Dũng nói.

Ông Dũng khẳng định một lần nữa quan điểm của Chính phủ việc không bổ sung vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. “Việc duy trì, bảo vệ, trông coi, xem xét vận hành là trách nhiệm của chủ đầu tư... Thực tế đã chứng minh, nếu tiếp tục điều tiết từ ngân sách thì cũng không thể khẳng định là sẽ thành công, sẽ hiệu quả được” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới