Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc PVN thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017- 2020.
Theo đó, Chính phủ quyết định giữ nguyên Công ty mẹ- PVN tiếp tục là công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. PVN thực hiện giảm tỉ lệ nắm giữ của PVN tại các doanh nghiệp theo từng giai đoạn. Cụ thể, từ 2017- 2018, giảm tỉ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí từ 61,3% xuống 51% vốn điều lệ; giảm từ 75,56% xuống còn 51% tại Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau.
Trong giai đoạn từ 2018- 2019, PVN giảm tỉ lệ nắm giữ tại Tổng công ty khí Việt Nam từ 96,72% xuống 65% vốn điều lệ. Còn trong giai đoạn 2019- 2020 tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans) thì PVN giảm tỉ lệ nắm giữ từ 51% xuống 36% vốn điều lệ nếu đàm phán và được Ngân hàng Citibank đồng ý sửa đổi cam kết trước đó của hai bên về tỉ lệ nắm giữ vốn điều lệ của PVN.
Chính phủ cũng phê duyệt danh mục doanh nghiệp mà PVN thoái toàn bộ vốn theo từng giai đoạn từ nay tới năm 2019. Giai đoạn 2017- 2018 là tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí SSG. Còn trong giai đoạn 2018- 2019 là Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; Tổng công ty bảo dưỡng- sửa chữa công trình dầu khí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu PVN có trách nhiệm triển khai sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn theo đúng danh mục và tiến độ. Trong quá trình thực hiện, những đơn vị có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thì Hội đồng thành viên PVN chủ động quyết định điều chỉnh tiến độ; những đơn vị có khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ thì báo cáo Bộ Công Thương quyết định nhưng vẫn phải bảo đảm hoàn thành trong năm 2020.