Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Qatar, hoàng thân Mohammed bin Abdulrahman al-Thani phát biểu ở Doha ngày 8-6, theo Reuters. “Chúng ta bị cô lập bởi vì chúng ta thành công và tiến bộ. Chúng ta là một nền tảng cho hòa bình” - ông Mohammed bin Abdulrahman al-Thani nói với phóng viên ở Doha với giọng điệu tự tin, quả quyết.
“Chúng ta không sẵn sàng đầu hàng và sẽ không bao giờ đầu hàng, sự độc lập của chính sách ngoại giao chúng ta” - ông nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng này đã đe dọa sự ổn định của khu vực.
Ngoại trưởng Qatar, hoàng thân Mohammed bin Abdulrahman al-Thani. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulrahman cho biết quốc vương của Qatar Tamim bin Hamad Al Thani sẽ không bỏ rơi đất nước trong lúc đất nước bị “bao vây, phong tỏa” và do đó không thể tham dự buổi hòa giải do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất ở Nhà Trắng, theo kênh Al Jazeera.
Cũng theo kênh này, Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulrahman tự tin nhấn mạnh rằng Doha có thể tồn tại dưới lệnh cấm vận. “Qatar có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và họ sẽ giảm thiểu được hậu quả của cuộc khủng hoảng” - kênh Al Jazeera trích dẫn lời Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulrahman.
Ngoại trưởng Qatar nói rằng: “Các biện pháp được đưa ra bởi chính phủ Qatar nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn cung cấp cho người dân sẽ được duy trì”. Ông nói Qatar vẫn chưa xem xét, bàn bạc một loạt các yêu cầu đưa ra bởi các quốc gia cắt quan hệ ngoại giao, cắt hợp tác trên không và trên biển với nước này, song khẳng định vấn đề sẽ được giải quyết trong hòa bình.
“Không thể có giải pháp quân sự cho vấn đề này” - ông khẳng định. Ngoại trưởng Qatar giải thích thêm một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sắp được triển khai tới Qatar là vì lợi ích của an ninh toàn khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulrahman cho biết Doha sẽ tôn trọng thỏa thuận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mà nước này đạt được với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) bất chấp hai nước đang có bất hòa với nhau. Ông nói rằng Iran đã nói với Qatar rằng Tehran sẵn sàng giúp đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm.
Cảnh nhìn từ trên cao một khu vực ngoại giao của Doha. Ảnh: REUTERS
Bình luận của hoàng thân Mohammed bin Abdulrahman đưa ra một ngày sau khi một quan chức chính phủ cấp cao UAE nói với hãng tin AFP rằng các biện pháp chưa từng có áp vào Qatar là nhằm gây sức ép lên nước này để thay đổi chính sách ngoại giao. Ngoại trưởng UAE, ông Anwar Gargash nói: “Đây không phải là để thay đổi chính quyền mà là thay đổi chính sách, thay đổi cách tiếp cận”.
Đến nay, đã có 9 nước liên tiếp cắt ngoại giao với Qatar viện dẫn nước này tài trợ khủng bố, tạo ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có trong khu vực.
Giới phân tích đánh giá cuộc khủng hoảng này là một phần mở rộng của tranh chấp tồn tại trước đó. Khi đó, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã tạm thời triệu hồi đại sứ của họ ở Doha vào năm 2014 vì cáo buộc Qatar ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB). Hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kuwait nắm vai trò hòa giải, nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng.