Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội ngày 30-5, nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra nghi ngại về các giải pháp vực dậy nền kinh tế trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, không loại trừ khả năng có nguyên nhân từ nhóm lợi ích chi phối.
Minh bạch để tạo niềm tin
ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho hay mối quan tâm của ông cũng như của nhiều cử tri bây giờ chính là những yếu kém kéo dài trên một số lĩnh vực chậm được khắc phục, hay nói rõ hơn là lúng túng trong cách giải quyết yếu kém. “Ví dụ như chỉ số hàng tồn kho công nghiệp, chế biến, chế tạo tăng, tồn kho bất động sản, nợ xấu vẫn ở mức cao. Hay như việc cắt giảm các công trình, dự án theo Nghị quyết 11 gây lãng phí lớn, tạo kẽ hở quay trở lại cơ chế xin-cho… Tôi đề nghị đừng để tình trạng: Dưới cứ kêu, trên cứ cắt, dân thì thắc mắc không biết nói ở đâu” - ông Tiến bày tỏ.
Dư luận cử tri đặt câu hỏi: Tại sao QH nói nhiều, Chính phủ đã có chủ trương, có giải pháp, có chỉ đạo kiên quyết nhưng kết quả chuyển biến chậm? “Phải chăng là chúng ta không đồng bộ trong tổ chức thực hiện? Nói đến người khác, nói đến chỗ khác thì kiên quyết còn đến mình thì im lặng? Phải chăng kiểm tra, chấn chỉnh không kịp thời, xử lý không nghiêm minh, có sự cả nể hoặc có quan hệ lợi ích? Tôi đề nghị cần có nghiên cứu cụ thể, làm rõ để có giải pháp thực hiện kiên quyết hơn” - ông Tiến tâm tư.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Vũ Công Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng cho rằng Chính phủ cần minh bạch và công khai hơn nữa để nhanh chóng khôi phục niềm tin. “Tôi muốn đề cập đến một tình hình khác đáng lo ngại hơn nhưng lại đang diễn biến trong nền kinh tế. Đó là không khí im lặng, dò xét và tâm thế ngồi yên chờ thời trong không ít DN. Đó là sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô Nhà nước đang tiến hành. Đó còn là sự lo ngại, ngao ngán về khả năng thao túng của các nhóm lợi ích” - ông nói.
Tái cơ cấu chậm do lợi ích nhóm
Cũng theo ĐB Hà Sỹ Đồng, điều quan trọng hiện nay không phải là cố gắng tạo ra tăng trưởng cao mà phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô để thực hiện tái cơ cấu (TCC) và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực xã hội vào các mục tiêu phát triển. “Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đề án tổng thể TCC kinh tế sẽ khó triển khai thực hiện thành công. Vậy vướng mắc đang nằm ở đâu?” - ĐB Đồng đặt vấn đề.
Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chi phối của các nhóm lợi ích. “Tháng 11-2012, báo cáo QH về việc thực hiện đề án tổng thể TCC kinh tế, Chính phủ có nêu một trong bốn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đó là hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, khu vực ngân hàng nói riêng vì quyền lợi cá nhân một số cổ đông lớn của các NHTM cổ phần yếu kém, thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN. Đến nay thay vì báo cáo kết quả giải quyết vướng mắc này, NHNN vẫn báo cáo rằng đây là một trong các nguyên nhân khiến cho quá trình TCC lại NHTM cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến mà không nêu được hướng xử lý và khả năng xử lý”.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân của bộ, ngành liên quan việc triển khai thực hiện đề án TCC nền kinh tế. Trong đó, cần quyết tâm đổi mới bộ máy quản lý nhà nước, phân định rõ cơ chế trách nhiệm cá nhân ở các cấp, các ngành để thực hiện ba đột phá chiến lược trong năm 2013, không để lợi ích nhóm chi phối.
Cần xin lỗi 9 gia đình có trẻ chết vì tiêm vaccine Ngành y tế được Hàn Quốc viện trợ một số lượng lớn vaccine Quinvaxem. Vấn đề là Hàn Quốc từ nhiều năm trước đã không sử dụng loại vaccine này cho trẻ em Hàn Quốc vì e ngại không an toàn khi tiêm chủng cho trẻ. Liên tiếp trong sáu tháng gần đây đã có chín trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm chủng loại vaccine này và hàng chục ca phản ứng nặng khác. Vấn đề là chúng ta, cả ngành y tế và các bộ, ngành khác rút ra được điều gì để làm tốt hơn nữa việc phục vụ nhân dân. Tôi cho rằng lúc này một lời xin lỗi của lãnh đạo ngành y tế là cần thiết, nhất là đối với chín gia đình ấy. Lời xin lỗi đó không chỉ là biểu hiện của văn hóa hay tinh thần trách nhiệm, mà trên cả đó chính là lòng nhân ái của các lương y. ĐB HUỲNH NGỌC ĐÁNG (Bình Dương) Chính sách có xu hướng thích xử phạt “Chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Chính phủ còn hạn chế. Nhiều bộ, ngành trực tiếp hoặc đề xuất ban hành nhiều quy định xa rời thực tế, thiếu khả thi, cá biệt còn trái luật. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo nên tình trạng nhờn pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi” - bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nói trong phiên thảo luận ngày 30-5. Phân tích nguyên nhân, bà Nga chỉ rõ: Cơ quan chủ trì dự thảo còn chiếu lệ, hình thức trong tổng kết thực tiễn, chưa quan tâm lấy ý kiến người dân. Khi ban hành chính sách có xu hướng thích xử phạt hơn là đáp ứng các điều kiện thuận lợi để người dân chấp hành. Bên cạnh đó, việc khép kín trong quá trình dự thảo, nhất là với thông tư, làm giảm tính khách quan của chính sách, văn bản, dễ ban hành theo xu hướng tạo thuận lợi cho quản lý của mình, đẩy khó cho người khác. Trong phát biểu của mình, ĐBQH Lê Thị Nga nhắc tới trách nhiệm của cả Chính phủ, QH và một số bộ. NGHĨA NHÂN Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH: Nợ công vẫn an toàn Ông Ninh cũng cho hay nếu phát hành trái phiếu chính phủ thêm khoảng 60.000 tỉ đồng cho dự án quốc lộ 1 thì sẽ làm tăng nợ công khoảng trên 2%. “Nợ công như thế vẫn an toàn. Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH: Mong ĐB động viên, khích lệ Đối với vấn đề nợ xấu, sau khi Chính phủ thông qua nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), dự kiến trong năm nay, công ty này sẽ có thể góp phần vào việc giải quyết nợ xấu 40.000-70.000 tỉ đồng. Anh em hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đã cố gắng hết sức, thách thức còn lớn, mong các ĐB tiếp tục động viên, khích lệ để chúng tôi hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT BÙI QUANG VINH: Số liệu thống kê đôi khi phụ thuộc ý chí chủ quan Tuy nhiên, có nhiều chỉ tiêu không phải do Tổng cục Thống kê làm mà từ các ngành báo cáo lên thì độ chính xác thấp và đôi khi nó phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của cấp cơ sở khi nhận định, đánh giá. Cũng có một vài số liệu do khép kín nên chúng ta cũng không thể bình luận xem nó chính xác hay không. Cơ quan tổng hợp của Bộ KH-ĐT rất vất vả khi xử lý các số liệu này, bởi có khi hôm nay các bộ báo cáo số liệu này, mai báo cáo số liệu khác. THÀNH VĂN ghi |
THU HẰNG