Qua 72 giờ vàng để cứu người trong vụ lở đất Thâm Quyến

72 giờ vàng trôi qua nhưng lực lượng cứu hộ vẫn khẩn trương tìm kiếm, duy trì hơn 5.000 người, 178 máy xúc, 123 thiết bị dò sự sống, bốn máy bay không người lái và chó cứu hộ.

Bộ chỉ huy cứu hộ chia hiện trường thành 35 mạng lưới và triển khai tác nghiệp cùng lúc 19 mặt, đồng thời mở thêm sáu con đường đưa người và thiết bị vào hiện trường. Lực lượng cứu hộ đã định vị được 16 địa điểm bị chôn vùi phía dưới và xác định 16 trọng điểm cần triển khai cứu hộ.

Sau khi cứu sống anh Điền Trạch Minh, người đầu tiên được tìm thấy sau 67 tiếng bị chôn vùi, đến giờ lực lượng cứu hộ chưa phát hiện được người may mắn nào khác. Họ đã tìm được thi thể của bốn nạn nhân. Máy dò sự sống chỉ có hiệu quả ở cự ly 2-6 m nhưng độ sâu đất, đá vùi lấp nhà cửa lên đến 20-30 m nên rất khó định vị dấu vết sự sống.

Không ảnh thảm họa sạt lở ở Thâm Quyến. Ảnh: WSJ 

Theo Tân Hoa xã, tình huống các tòa nhà sụp chồng lên nhau là điều vô cùng bất lợi, thậm chí còn khó hơn cứu nạn động đất. Hiện trường thảm họa động đất là nhà cửa sụp đổ nhưng có khe hở, có không khí hoặc có thể có không gian nhỏ có nước và thức ăn. Còn hiện trường lở đất ở Thâm Quyến là đất ướt vùi lấp và rất thiếu không khí. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với sinh mạng con người.

Hiện thời những người gặp nạn đã tập trung tại 15 địa điểm cư trú tạm thời như trung tâm thể thao. Dự kiến vài ngày nữa họ sẽ được chuyển đến 15 khách sạn có điều kiện tốt hơn. Đến trưa 24-12 đã có 1.817 người bị nạn được sắp xếp nơi cư trú.

Sau thảm họa lở đất, toàn TP Thâm Quyến đã tập trung điều tra 738 điểm tiềm ẩn tai họa địa chất và dốc nguy hiểm, 24 mỏ bỏ hoang (đã bị đóng cửa), đặc biệt là các mỏ đá đã đóng cửa và các điểm tiềm ẩn tai họa địa chất có mật độ dân cư đông gần trường học, bệnh viện, khu dân cư, khu công nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm