“Quả ngọt” sẽ dành cho những ai biết nỗ lực trong gian khó

(PLO)- Gọi là đặc biệt bởi năm nay, kỳ thi không đơn thuần chỉ kết thúc 12 năm đèn sách của lứa học sinh 2004 mà còn là kỳ thi khép lại niên khóa 2019-2022 - niên khóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau năm bài thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của hơn 1 triệu thí sinh đặc biệt trên cả nước đã chính thức kết thúc.

Gọi là đặc biệt bởi năm nay, kỳ thi không đơn thuần chỉ kết thúc 12 năm đèn sách của lứa học sinh 2004 mà còn là kỳ thi khép lại niên khóa 2019-2022 - niên khóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 gần như trong cả ba năm THPT vừa qua, nhất là tại TP.HCM.

Cùng với người dân cả nước, suốt bốn đợt dịch đi qua là thời gian thầy trò thấp thỏm, lo âu với liên tục những thông báo tạm dừng học trực tiếp, học trực tuyến.

Cao điểm nhất là ở đợt dịch thứ tư kéo dài từ học kỳ 2 của lớp 11 đến gần hết học kỳ 1 của lớp 12, các em phải học trực tuyến hoàn toàn. Phải đến giữa tháng 12-2021, các em lớp 12 mới là những học sinh đầu tiên ở TP.HCM được đi học trực tiếp theo hình thức tự nguyện.

Trong điều kiện công nghệ thông tin còn hạn chế, thiết bị dạy học thiếu thốn, khối lượng bài vở lớn, không ít thầy trò căng mình trong từng buổi học. Có những buổi học trở thành lịch sử khi phải “vừa on vừa off”. Có cô giáo đang là F0 vừa cách ly trên giường bệnh vừa dạy học trực tuyến, những học trò F0 phải gắng gượng để theo kịp bài vở, có lớp chỉ vài học sinh, cũng có lớp chỉ có một mình thầy giáo… Nhưng thầy trò vẫn dạy và học, vẫn bằng nhiều cách để ôn tập, không chỉ mong có kết quả năm học tốt mà còn chuẩn bị tốt nhất cho các em một kỳ thi vừa để tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học như bao thế hệ phải trải qua.

Những ngày qua, sau mỗi bài thi kết thúc, người ta lại quay cuồng đánh giá đề thi, có những lời khen dành cho ban ra đề và cũng có cả những lời chê rằng đề thi quá an toàn, đề thi không đổi mới... Những lời nhận xét đó có thể không sai nhưng đặt vào cả một niên khóa dạy và học vừa qua, hẳn sẽ là phương án phù hợp nhất.

Như bày tỏ của ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), sau hai ngày thi: Niên khóa 2019-2022 là một niên khóa nhiều cảm xúc hụt hẫng, vui buồn, lo sợ, đau thương, mất mát và học một cách chập chờn. Tuy nhiên, những cảm xúc ấy của học sinh, phụ huynh và nhà trường đều đã được ngành giáo dục quan tâm, các cấp chính quyền sâu sát. Cụ thể là ở cả chín môn thi, cấu trúc đề tương đồng với đề minh họa, nội dung đề cũng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và những câu để phân hóa, xét tuyển đại học cũng không quá khó hay đánh đố học trò.

Theo ông Phú, với cách ra đề này, định hướng của Bộ GD&ĐT, nhất là ở năm học này là định hướng đúng, cũng là để học sinh cảm nhận được sự đồng hành, sự chia sẻ với những khó khăn của các em từ ngành giáo dục.

Tất cả điều đó cho thấy có thể kết quả thi hôm nay của các em dù không phải cao nhất, tốt nhất, ngày công bố điểm cũng có thể sẽ không có mưa điểm 10 nhưng kết quả đó xứng đáng được ghi nhận sau những nỗ lực rất lớn của cả thầy cô và học trò thời gian qua.

Và đây chắc chắn sẽ là những hành trang quý giá, giúp các em bước tiếp hành trình trên giảng đường ở những năm tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm