Tiếng rao đi trước: “Ai... kìa kía!”. Người rao đến sau, là ông già người Hoa đội nón cời lối bằng tre có chóp nhọn, bận cái áo ngả màu cháo lòng. Mới có tiếng rao thôi đã có rải rác từ mấy nhà thụt thò ra mấy cái đầu bù của đám con nít. Ông đi từ đoạn cầu Ba Cẳng, bến Trần Văn Khỏe, ngang qua khu Cây Gõ và đúng boong 3 giờ chiều là đến đây. Lúc đó đám con nít vừa thức sau giấc ngủ trưa.
* * *
Lúc đầu Tấn tưởng ổng bán... con ba khía, căn cứ vào tiếng rao của ông. Loại cua bé xíu đó làm mắm ăn với cơm cũng được, nhưng Tấn không mê lắm. Dù sao phải ngó cho được ông bán cái gì. Nghe có người kêu, ông hạ cái thùng thiếc vuông hiệu Con Sò xuống, đặt tạm cái ống nhôm mà ông dùng lắc nghe lẹt xẹt khi đi rao. Ông nhanh nhẹn lấy từ trong thùng ra một cái bánh tráng nhỏ, màu trắng đục, múc một thứ trăng trắng rắc lên. Đó là dừa nạo sợi dài. Cuối cùng, ông mở nắp đầu ống nhôm ra, rắc rắc xuống những hạt màu đen, đó là mè đen đã rang chín. Xong, ông cuốn cái bánh tráng lại và giao cho thằng nhỏ đứng đợi và thu đồng năm cắc. Mua nhiều hơn thì ông làm thêm, lặp lại các bước y như vậy.
Lần đầu cắn miếng bánh tráng, Tấn nhai chậm, ngẫm nghĩ. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa ba vị, ngọt của bánh tráng, béo của dừa nạo và thơm của mè. Thật ra có tới hai vị ngọt của bánh và dừa, hai vị béo của dừa và mè... nhưng khác nhau về cung bậc và kiểu cách. Sau này lớn rồi mới nhớ lại và phân tích, chứ hồi xưa Tấn chỉ biết nhai mà thấy sung sướng vì trên đời sao có nhiều món hàng rong rẻ mà ngon dữ vậy. Có người bảo đó là món bò bía ngọt, nhưng Tấn nhớ nó giản dị hơn, không có kẹo mạch nha như bây giờ. Đó là phiên bản dành cho con nít?
Hồi nhỏ ở trong Chợ Lớn, bến Trương Tấn Bửu (nay là đường Lê Quang Sung, quận 6), thú vui của đám con nít có Tấn trong đó là ra rẫy cải đối diện đình Bình Tiên bắt chuồn chuồn và ăn hàng bán rong. Đứa nào được phát tiền ăn hàng thì được gọi là “con nhà giàu”. Ba má Tấn chỉ có mỗi một đứa con, có cho ít tiền nên Tấn thành “con nhà giàu” vậy đó. Từ “con nhà giàu” trở thành “vua ăn hàng”. Sáng ở nhà, học bài xong là đợi tiếng rao vô xóm. Ăn đến khi bị ông nội la thì thụt vào. Rồi lại mon men ra cửa khi nghe tiếng rao.
Món bánh bèo bán ở xóm nghèo khác với bánh bèo bán ngoài chợ. Bánh bèo bán ngoài chợ Tân Bình, nay có tên là chợ Cây Gõ, là thứ xa xỉ với con nít trong xóm, ăn một lần chục cái, cái nào cũng quết thêm mỡ hành, đậu xanh nhuyễn, tôm chấy. Còn bà bán bánh bèo hay vô xóm, tuy đông con nít kéo ra ăn nhưng khó mà hốt bạc. Mỗi đứa ăn đúng một chén bánh bèo chan miếng nước mắm. Không hề có miếng đậu xanh, tôm chấy hay mỡ hành gì. Vậy mà đám con nít hít hà vì cay, liếm mép vì thèm vị mặn nước mắm còn vương vấn. Đó có thể là chặng chót của bà trước khi về nhà nên hết sạch những thứ làm nhân bánh. Kệ, ngon mà rẻ là được. Cũng chỉ năm cắc thôi!
* * *
Món ăn hồi nhỏ sao mà còn những món kỳ lạ quá. Nửa thế kỷ trôi qua, Tấn lớn lên làm nghề lái xe, đi khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và tỉnh xa mà không tìm đâu ra một ông già bán kẹo thổi ra được hình con thú. Cái ông hồi còn nhỏ Tấn thấy là trước Trường Tiểu học Minh Phụng, bây giờ là Trường Nguyễn Đức Cảnh. Khi học trò bu lại đã đủ, ông bắt đầu biểu diễn, tay phải cầm ống kê lên miệng, tay trái vít một miếng đường dẻo trong veo có nhuộm màu vàng. Miếng đường ịn vào cái ống và ông bắt đầu thổi. Hơi chui vào miếng đường làm phồng lên và tùy theo tay ông xoay cái ống mà hình dạng con vật nào đó lộ ra. Tay trái của ông uốn éo để di chuyển miếng đường dẻo sao cho lồi chỗ này, khuyết chỗ kia. Khi ông ngưng thổi, miếng đường hiện ra con heo, con chuột hoặc con gà, khá giống thật, trong veo như thủy tinh. Lúc đó đường đã cứng lại, ông đưa cho đứa nào mua một con gắn trên cái que. Cũng chỉ năm cắc!
Tấn cũng không tìm ra đâu cái kiểu nấu xôi mặn như trong quận 6. Có lẽ vì nấu cực quá nên thất truyền. Củ cải mặn xắt nhỏ xào chung với tôm khô, lạp xưởng cũng xắt nhỏ. Xong trộn tất cả với xôi cho đều, cho thấm. Ai đến mua thì múc thứ xôi trộn ra lá chuối, rắc đậu phộng rang lên rồi túm hai đầu cho chặt. Lấy muỗng bằng cái gân lá chuối múc ăn, thơm ngon thần sầu, xôi dẻo và thấm vị, lâu lâu cắn được miếng cải mềm, tôm khô mặn ngọt hay lạp xưởng béo. Nhắc lại còn thèm!
Chỉ có một thứ không có giá năm cắc, mà là miễn phí hoặc có khi “kiếm” được tiền để mua những món khác. Cuối tuần, Tấn ra ngồi trên bậc thềm, ngó ông nội và các ông trong xóm chơi ném bi sắt (pétanque) ở dưới mặt sân đất. Chơi xong, thế nào ông nội cũng kêu Tấn ra ông Tàu ngoài hẻm kêu mang vào ba két bia để ai thua chung độ. Tấn co chân chạy ngay vì thế nào cũng được khuyến mãi một chai nước ngọt hiệu Con Cọp, hoặc cây cà rem, hoặc xâu bánh vòng mắc lên cổ ăn dần.
Ông chủ tiệm là người Quảng Đông, bụng bự như nhiều ông Quảng Đông khác, luôn cởi trần. Lúc bán hàng, khách đưa tiền giấy thì ông bỏ vào hộc, tiền cắc thì ông lận lưng quần. Thỉnh thoảng ông ra ngoài hông nhà có bụi chuối đứng tiểu, thế nào đám con nít cũng nháy nhau. Vì khi ông quay vào, sẽ có mấy đồng năm cắc rớt dưới mặt đất. Đám con nít lại có tiền ăn hàng!
Lúc khác, đợi má ra bến Trần Văn Kiểu mua nước mắm tĩn về là có cái vừa ăn vừa chơi. Bà để cái tĩn nước mắm vô cái thau, lấy sống dao gõ nhẹ chung quanh nắp tĩn để nắp rời ra xong chiết nước mắm vô mấy cái chai thủy tinh. Những lúc đó Tấn ngồi cạnh bên để đợi xong việc thì xin cái nắp. Nắp tĩn đem mài thành cái “chàm”, dùng để chơi nhảy cò cò khi ném ra không bị tưng ngoài vị trí mình muốn. Còn cái tĩn không thì xách ra tiệm chạp phô đổi hai cây cà rem, không tốn cắc nào!
* * *
Tấn theo ba má về sống ở Sài Gòn khi bắt đầu lên lớp 6. Mấy năm sau quay về xóm, gặp chị hàng xóm, bảo mày bây giờ không giống dân quận 6, mà là dân Sài Gòn rồi. Tấn cãi có gì khác đâu. Chị ấy bảo dân Sài Gòn ít nói chuyện to, ít ai bận quần xà lỏn cởi trần đi ra ngồi quán cà phê dù ở trong xóm. Con nít Sài Gòn không có trò ra chợ lăn dưa của người ta về ăn.
Tấn lúc đó còn nhỏ, không kiểm chứng được những lời chị ấy nói. Nhưng Tấn biết chắc ở Sài Gòn không có những món ăn kỳ lạ mà Tấn đã ăn ở đây, chỉ với giá năm cắc, vừa ăn vừa nói dóc với mấy thằng bạn lanh lợi nhưng mộc mạc ở xóm chợ Tân Bình, bến Trương Tấn Bửu. Niềm vui giản dị đó, nửa thế kỷ qua Tấn luôn nhớ và luôn nhắc khi gặp lại bạn xóm cũ, nay đã thành những ông già sún răng, ốm nhom, ngồi chơi mà chỉ nói toàn chuyện cơm áo gạo tiền và cằn nhằn bà vợ ở nhà. Không ông nào nhớ chuyện hồi nhỏ ăn hàng giá năm cắc.