Siêu thị quá tải, hệ thống online ngưng phục vụ
Theo khảo sát của phóng viên, từ sáng và trưa ngày 7-7, lượt người mua sắm tại các hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ tăng đột biến.
Tại hệ thống siêu thị Emart (Gò Vấp) sáng 7-7, lượt người mua sắm tăng cao dù là ngày trong tuần. Các quầy thanh toán luôn trong tình trạng quá tải, khu vực ngành hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm ăn nhanh ghi nhận lượt mua sắm tăng mạnh.
Lượng người mua ở Emart tăng cao.
Ông Phan Đình (phường 9, Gò Vấp) cho biết cùng vợ đi siêu thị vào lúc 7g30, nhưng đã thấy rất đông người đến mua sắm. "Tôi nghĩ đi ngày trong tuần và đi sớm để đỡ đông nhưng tới nơi mới biết nhiều người nghĩ giống mình" - ông nói.
Ông Đình bày tỏ sự lo lắng lây nhiễm dịch COVID-19 khi đi siêu thị trong lúc đông đúc. "Biết đi siêu thị những lúc này là rất nguy hiểm nhưng không đi thì không có thức ăn vì chợ xung quanh nhà đã đóng cửa hết, chợ đầu mối cũng dừng luôn. Mua trên ứng dụng của siêu thị thì không thể đặt được do quá tải" - ông Đình chia sẻ.
Thực tế, trong nhiều ngày nay, ứng dụng mua hàng online của hệ thống Emart luôn trong tình trạng quá tải và tạm ngưng phục vụ dù trước đó đã thông báo ngưng giao hàng tại một số khu vực nhất định.
Ứng dụng mua sắm online của Emart thông báo việc quá tải đơn hàng. Ảnh:T.Hà
Tương tự, siêu thị MM Mega Martket quận 12, siêu thị Go (Bình Tân) cũng ghi nhận hàng trăm người đứng chờ khai báo y tế và đo thân nhiệt để vào mua hàng.
Hầu hết các siêu thị đều cho biết trong những ngày qua, đặc biệt chiều ngày 6-7, lượng mua hàng online tăng 2-10 lần so với trước đó.
Điều này cũng khiến hệ thống đặt hàng bị quá tải và một số hàng hóa rơi vào tình trạng hết hàng, không kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Các hệ thống siêu thị đang dồn lực để tăng nguồn cung về hàng hóa và nhân sự, đảm bảo quá trình cung ứng thuận lợi tới tay người tiêu dùng.
Đại diện MM Mega Martket xác nhận lượng đơn đặt hàng online của siêu thị đang quá tải, khiến cho việc giao hàng bị chậm trễ vì nhân sự không thể đáp ứng kịp.
"Chúng tôi mong người dân bình tĩnh, không nên đặt mua ồ ạt, gây ùn ứ và tắc nghẽn cục bộ. Với những khách hàng đã đặt trước đó, siêu thị sẽ cố gắng giao sớm nhất. Chúng tôi đã đặt mua hàng trực tiếp từ các vựa và tại các trang trại nên nguồn hàng luôn dồi dào" - đại diện siêu thị này nói.
Vị này cho hay, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, MM Mega Market chỉ cho phép 30 khách hàng vào mua sắm cùng thời điểm. Người dân được bố trí chờ đợi ở bãi giữ xe với khoảng cách 2 m. Khi bãi giữ xe kín chỗ, siêu thị sẽ tạm thời đóng cửa, không nhận thêm khách.
Không chỉ các siêu thị lớn, các điểm bán lẻ, siêu thị mini như Bách Hóa Xanh, Vinmart+, Satrafoods... cũng ghi nhận lượt mua sắm trực tiếp và trực tuyến tăng mạnh, dù trước đó một số điểm bán dán bảng thông báo chỉ phục vụ đối đa 10 người trong một phiên mua sắm.
Từ chiều 6-7, hệ thống online VinID của Vinmart liên tục thông báo tình trạng quá tải đơn hàng khiến việc giao hàng có thể chậm trễ. Cùng với đó, nhiều sản phẩm được thông báo không đủ hàng.
Một số ứng dụng thông báo về việc tình trạng quá tải đơn hàng. Ảnh: T.Hà
Ứng dụng của siêu thị Bách Hóa Xanh cũng rất khó truy cập hoặc các sản phẩm liên tục báo hết hàng. Tuy nhiên, đại diện hệ thống siêu thị này cho biết việc quá tải và hết hàng chỉ xảy ra ở các thời gian cao điểm khi nhiều người cùng đặt. Thực tế siêu thị vẫn đủ nguồn cung.
Người dân đổ xô mua hàng khiến các siêu thị phải liên tục nhập hàng mới. Ảnh: T.Hà
Trong khi đó, một hệ thống siêu thị khác thẳng thắn thừa nhận: "Lâu nay chúng tôi tập trung phục vụ tốt mua sắm tại chỗ nên chưa có nhiều kinh nghiệm bán hàng online. Ngoài ra, nền tảng vận hành cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục."
Không lo thiếu hàng
Trước tâm lý lo ngại thiếu hụt hàng hóa của người dân, đại diện các siêu thị đều cho biết đang gia tăng nguồn cung cho các điểm bán.
Đại diện Co.op Mart khẳng định: "Hiện nay, lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do tâm lý đám đông đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn".
Phía Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định nguồn cung cho thành phố luôn được đảm bảo. Đồng thời khuyến cáo việc người dân dồn đến các điểm bán lẻ như hai ngày qua là rất nguy hiểm.
Cơ quan này đang triển khai các phương án điều tiết hàng hóa, đảm bảo có thể cung ứng đầy đủ cho TP. Do đó, người dân không cần "đánh đổi" sức khỏe và sự an toàn để chen nhau mua sắm thực phẩm vào lúc này.
Tính đến sáng 7-7, TP.HCM có 125/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do liên quan các ca nhiễm COVID-19. Trong số này có cả ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm.