+ Vấn đề nhóm lợi ích và mặt trái của nó là nhóm đặc quyền đặc lợi, được Đảng ta đề cập nhiều từ Đại hội XI tới nay. Vấn đề này cũng được nêu ra trong Hội nghị Trung ương 4 bàn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả quá trình triển khai sau đó. Một biểu hiện dễ thấy của hiện tượng đó là những mối quan hệ không bình thường giữa những người có chức, quyền với DN để trục lợi.
Tôi tham gia UBKTTƯ từ năm 1988 thì lúc đó đã thấy nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng đề cập tới hiện tượng này ở biểu hiện là vợ con, người thân của cán bộ, theo kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ” mà vụ lợi. Và thực tế công tác kiểm tra đã phát hiện khá nhiều những vụ việc như vậy. Ở những giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới ấy, tư nhân được bung ra làm ăn thì cũng ngay lập tức xảy ra những vụ việc theo kiểu đại gia nhờ cậy quan chức, quan chức dựa vào đại gia. Trung gian của các quan hệ ấy là các “quan bà”, con cái của quan chức và cả họ hàng, thậm chí bạn thân…
Cho nên việc UBKTTƯ nhiệm kỳ này nêu ra không mới. Nhưng nó tích cực ở chỗ hiện tượng tiêu cực khó định lượng này được đưa ra nghiên cứu một cách chính thức, tức tổng kết cả lý luận, thực tiễn.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm UBKTTƯ, vụ án Lã Thị Kim Oanh là một trong những vụ án có mối quan hệ giữa DN với người có chức, quyền để trục lợi. Ảnh tư liệu
Cậy nhờ từ cửa sau nhà quan
. Đánh giá theo thời gian, ông thấy hiện tượng tiêu cực này diễn biến thế nào?
+ Ngày một nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn, phức tạp hơn do mối quan hệ lợi ích trong XH ngày càng chằng chịt, phức tạp hơn.
Doanh nhân thì mục đích trên hết là lợi nhuận. Nếu môi trường kinh doanh tốt, bình đẳng, hệ thống quản lý công khai, minh bạch với cán bộ tốt, đảng viên gương mẫu, trong sáng thì chắc hẳn họ sẽ không phải tìm đến những cửa sau nhà quan để cậy nhờ. Nhưng hệ thống ấy mà thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát thì ắt hẳn sẽ hình thành những quan hệ quan chức - DN theo kiểu vì vụ lợi. Đây là điều chúng ta đang gặp phải và đang ngày càng nghiêm trọng, khó kiểm soát.
Hiện tượng đáng lo ngại đó không chỉ xảy ra ở những dự án cụ thể, DN tìm lợi ích từ mối quan hệ cửa sau nhà quan, mà còn râm ran trong dư luận về những cuộc chạy chức, chạy quyền mà cầm cờ là những DN lo hậu cần, tài chính giúp cho những ứng viên trong cuộc đua ấy.
Có thể cán bộ, đảng viên liên quan đến những vụ việc ấy chỉ là “bộ phận không nhỏ”. Nhưng họ có thể trở thành “tù binh” của những đại gia mà đi tới địa phương nào cũng được đồn thổi. Đó là mối nguy lớn của Đảng.
Khó khăn vì tính hư hư, thực thực
. Kinh nghiệm của ông về kiểm tra, xử lý những vụ việc đó thế nào? Khó khăn, vướng mắc gì?
+ Trước hết là tính mờ ảo, hư hư, thực thực của những mối quan hệ như vậy.
Hồi mới vào UBKTTƯ, tôi có nghe các cơ quan pháp luật ở Hà Nội nói về một vụ làm bia giả rất lớn. Họ bảo rất muốn điều tra, làm rõ nhưng lại nghe đồn là dính dáng đến cháu một vị ủy viên Bộ Chính trị đương chức nên lúng túng. Thông qua thư ký của đồng chí lãnh đạo ấy, tôi tìm hiểu và thấy đó chỉ là tin đồn ảo. Vụ việc sau đó được xử lý nghiêm minh.
Còn quan hệ thật thì điển hình là vụ án Lã Thị Kim Oanh. Làm việc với UBKTTƯ, nhiều lãnh đạo Bộ NN&PTNT kể lại là khi cô này làm việc với họ để xin phê duyệt, bút phê vào các tờ trình liên quan đến Công ty Tiếp thị nông nghiệp thì đã nói thẳng với họ là “nếu anh không giải quyết thì tôi sẽ tự tìm cách”. Thực tế, quan hệ của Lã Thị Kim Oanh là có thật và sau vụ án đó nhiều cán bộ trung ương bị kỷ luật, kiểm điểm.
Những vụ việc ở đó có quan hệ tiêu cực thật giữa quan chức và thành phần ngoài xã hội như vậy có thể chỉ ra rất nhiều. Như vụ án thủy cung Thăng Long, vụ án Năm Cam… liên quan đến cả cán bộ địa phương và trung ương. Đáng chú ý là vụ thủy cung Thăng Long, khi xảy ra dính đến pháp luật, các đối tượng liên quan còn nhờ cậy cả anh một lãnh đạo cấp cao của Nhà nước để can thiệp. Nhưng chính đồng chí lãnh đạo ấy đã rất nghiêm khắc với người thân, chặn đứng sự tác động này.
Bình đẳng giữa các đảng viên
. Thực ra Đảng đã quy định những điều cấm với đảng viên; Nhà nước cũng có những quy định pháp luật để phòng ngừa. Vậy tại sao tệ nạn móc nối tiêu cực giữa quan chức với đại gia lại ngày càng phức tạp như vậy?
+ Đảng có nhiều quy định nhưng lại thiếu vắng cơ chế nhắc nhở, kiểm tra, giám sát; thiếu vắng cơ chế lắng nghe dư luận, nhân dân, bắt đầu từ dư luận trong từng cơ quan, đơn vị.
Trong thể chế chính trị duy nhất một đảng cầm quyền thế này, tôi cho rằng trước hết Đảng phải gương mẫu, thực sự không có vùng cấm trong chính tổ chức mình. Chính những người làm công tác giám sát, kiểm tra của Đảng phải vượt qua được chính mình, nắm chắc Điều lệ Đảng, thực hiện đúng, đủ phận sự của mình.
Tôi nhớ hồi có dư luận không hay về con một đồng chí lãnh đạo Chính phủ, tôi đã thông qua các kênh xác minh. Có người báo đồng chí ấy phản ứng, rồi khuyên làm cách khác tế nhị hơn… Tôi nói lại: Làm vậy chính là để bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín lãnh đạo.
Vậy thì vấn đề là trong chính Đảng ta, phải dẹp bỏ tâm lý không hay về giám sát, kiểm tra. Mọi người phải thực sự bình đẳng trước Hiến pháp, pháp luật và mọi đảng viên phải thực sự bình đẳng trước điều lệ và quy định của Đảng. Cần coi đó là việc bình thường, là tự uống thuốc chữa bệnh. Bằng không bệnh đã nặng càng thêm nặng, thành di căn thì khỏi phải chữa nữa.
. Chẩn bệnh không khó. Khó là tìm thuốc chữa. Vậy theo ông giải pháp đấu tranh, phòng ngừa với tệ nạn quan hệ tiêu cực DN - quan chức là gì?
+ Bên cạnh việc Đảng tự nghiêm khắc với chính mình như nói ở trên, tôi thấy việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội để chúng ta thảo luận, nhận thức mới về xây dựng nhà nước pháp quyền và các thiết chế xã hội tương ứng.
Dường như đang có những chuyển động tích cực, ít nhất là những biểu hiện thừa nhận ngày càng rõ hơn vai trò của dân chủ, của nhân dân với tư cách chủ thể duy nhất của quyền lực nhà nước và cả sự thừa nhận về yêu cầu kiểm soát quyền lực mà Đảng đang đặt ra.
. Xin cảm ơn ông.
NGHĨA NHÂN thực hiện