Theo đó, ông Vern Miyagi, lãnh đạo của EMA tại Hawaii, đã có quyết định từ chức vào ngày 29-1 vừa qua (giờ địa phương). “Ông Miyagi, một chỉ huy quân sự được kính trọng và một người trọng danh dự, đã chấp nhận hoàn toàn mọi trách nhiệm đối với sự cố và đã gửi thư từ chức” - lãnh đạo quân sự của EMA Joe Logan trả lời báo giới.
Ông Logan cũng xác nhận rằng nhân viên trực tiếp nhầm lẫn kích hoạt hệ thống báo động tên lửa đã bị EMA sa thải vào ngày 27-1 vừa qua. Người này từng có nhiều lần nhầm lẫn giữa diễn tập và các mối đe dọa thực sự, ông Bruce Oliveira, người lãnh đạo cuộc điều tra về sự cố báo động nhầm tại Hawaii, cho biết. Trước khi xảy ra sự cố khiến cả Hawaii hoảng sợ vào ngày 13-1, nhân viên này từng nhầm lẫn các vụ diễn tập hỏa hoạn và sóng thần là sự kiện có thật. Tuy nhiên, các chỉ huy giám sát của người này vẫn giữ anh làm việc trong 10 năm qua với chế độ “tư vấn thường xuyên”.
Hawaii thông tin cho người dân báo động tên lửa ngày 13-1 là nhầm lẫn. Ảnh: AP
Trong sự cố ngày 13-1, sau khi nhận được một tin báo diễn tập, nhân viên trên tin rằng đã có báo động tên lửa nên quyết định kích hoạt hệ thống báo tin khẩn cấp, mặc dù toàn bộ năm thành viên còn lại của ca trực đều không nhìn thấy báo động nào. Theo hãng tin RT, hiện nhân viên này vẫn từ chối phối hợp điều tra và EMA cũng không có cơ sở pháp lý để buộc anh ta phải hợp tác. Một quan chức cấp cao khác tên Toby Clairmont, nhân viên điều hành của EMA Hawaii, cũng đã từ chức không lâu sau sự cố. Ngoài ra, truyền thông Mỹ cho biết còn có một nhân viên khác thuộc cơ quan này đã bị cho tạm nghỉ không lương.
Trong sự cố ngày 13-1, các cơ quan chức năng của Hawaii đã mất đến 37 phút để phát đi thông tin cải chính rằng báo động tên lửa là nhầm lẫn.