Vào lúc 8 giờ 7 phút ngày 13-1 (giờ địa phương), người dân bang Hawaii đã nhận được tin nhắn trên điện thoại với nội dung như sau: “Nguy hiểm tên lửa đạn đạo đang bắn đến Hawaii. Hãy tìm nơi trú ẩn ngay lập tức. Đây không phải là diễn tập”. Hawaii chìm trong hoảng sợ nhưng may mắn đây chỉ là… báo động giả.
Sơ suất cá nhân
Theo Honolulu Star-Advertiser, giới chức Hawaii sau đó đã gửi thư điện tử bác bỏ thông tin trên 18 phút sau đó. Thống đốc bang Hawaii David Ige đã lên tiếng xin lỗi người dân trong bang, giải thích rằng: “Báo động trên đã bị gửi nhầm do một nhân viên thuộc cơ quan Cảnh báo khẩn cấp (EMA) tại Hawaii trong ca trực đã vô tình bấm nhầm nút”. Toàn bộ hệ thống truyền hình, loa phóng thanh khắp bang Hawaii cũng dừng phát thông điệp hướng dẫn người dân trú ẩn an toàn.
Hạ nghị sĩ Mỹ Tulsi Gabbard cũng phải lên mạng xã hội Twitter thông báo cho người dân Hawaii rằng đã có nhầm lẫn trong thông tin báo động. “Hawaii. Đây chỉ là báo động giả. Không có tên lửa nào đang nhắm đến Hawaii cả. Tôi đã có xác nhận từ các quan chức chính phủ rằng không có tên lửa nào cả” - bà đăng tải thông báo trên mạng xã hội Twitter.
Báo động sai về nguy cơ tên lửa tấn công khiến người dân Hawaii hoảng loạn. Ảnh: NBC
Chính phủ Mỹ cũng cho biết sẽ tiến hành điều tra vụ việc. Một thông cáo của Nhà Trắng ngày 14-1 xác nhận Tổng thống Donald Trump đã được “tóm tắt về hoạt động quản lý tình trạng khẩn cấp tại bang Hawaii”, theoThe Guardian.
38 phút sau tin nhắn báo động, tin nhắn đính chính báo động giả mới đến được điện thoại của người dân Hawaii. Nhiều người cũng không đủ tin tưởng để ra khỏi nơi trú ẩn mà chờ thông báo chính thức từ chính phủ, theo The Guardian. |
Nửa tiếng sống trong kinh hoàng
Chính quyền Mỹ và bang Hawaii thời gian qua ngày một lo sợ nguy cơ tên lửa Triều Tiên nhắm đến khu vực này, đặc biệt sau khi Triều Tiên đạt được các đột phá trong công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hiện tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15 của Triều Tiên đã có thể vươn đến lãnh thổ lục địa của Mỹ.
Hồi tháng 12-2017, Hawaii đã lần đầu tiên đưa hệ thống còi báo động từ thời Chiến tranh lạnh trở lại hoạt động với lý do cần đề phòng mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên. Chính quyền bang cũng tăng cường nỗ lực tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho người dân của bang cũng như du khách về cách thức ứng phó với một cuộc tấn công hạt nhân.
Nỗi sợ tên lửa Triều Tiên tại Hawaii là rất thật. Lần diễn tập báo động gần nhất tại vùng này là ngày 2-1-2018. Nhiều người dân Hawaii khi nhận được tin nhắn báo động ngày 13-1 (giờ địa phương) vừa qua thừa nhận đã sống trong những phút giây hoảng sợ nhất của đời mình. Theo đài CNN, nếu như tên lửa được phóng từ Triều Tiên thì người dân Hawaii chỉ có vỏn vẹn 20 phút để chạy trốn. Nhiều người đã gọi điện thoại trong nước mắt với người thân vì không thể kịp cùng tập hợp tìm nơi trú ẩn, theo The Guardian.
Mỹ báo động tên lửa thế nào? Theo đài CNN, quân đội Mỹ đảm trách nhiệm vụ phát hiện tên lửa đạn đạo được phóng đi. Họ có một hệ thống phức hợp các cảm biến và phát hiện tên lửa trên Thái Bình Dương để theo dõi các hoạt động tên lửa tại khu vực. Các vụ phóng sẽ được phát hiện ngay lập tức bởi vệ tinh bằng cách dò tín hiệu hồng ngoại tại các bãi phóng. Quân đội Mỹ chia sẻ tất cả thông tin theo dõi và đánh giá tên lửa đối với các chính quyền dân sự. Hawaii có hệ thống cảnh báo khẩn cấp qua ba kênh, theo EMA. Kênh thứ nhất là hệ thống loa phát thanh báo động, khi có đe dọa sẽ phát tín hiệu báo động kéo dài một phút, kêu gọi người dân mở radio hoặc tivi để theo dõi thông tin. Sau đó hệ thống loa sẽ phát tín hiệu báo động tấn công, kêu gọi người dân lập tức tìm chỗ trú ẩn. Kênh thứ hai là các hãng truyền thông và phát sóng địa phương của Hawaii. Ngoài ra, Hawaii còn có hệ thống báo động khẩn cấp không dây (WEA) gửi âm thanh báo động và tin nhắn đến toàn bộ điện thoại di động. |