Quan điểm của VKS trong vụ 'bán rẻ' dự án Phước Kiển

(PLO)- Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX bác kháng cáo của các bị cáo và chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-3, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xử phúc thẩm vụ ông Tất Thành Cang (cựu phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) và tám đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Vụ án này, 9/10 bị cáo và năm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo (ông Cang không kháng cáo). Đồng thời, VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm.

Cuối phiên xử, chủ tọa thông báo do vụ án có tính chất phức tạp nên tòa sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 3-4.

VKS đề nghị bác kháng cáo

Tại phần tranh luận, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện, khách quan các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Lời sau cùng của các bị cáo

Nói lời sau cùng, bị cáo Thiện mong muốn HĐXX xem xét công lao của mình và các bị cáo khác. “Bị cáo phạm tội do yếu tố khách quan, hiểu biết pháp luật hạn chế” - Thiện nói.

Các bị cáo khác cũng tỏ ra ăn năn hối hận. Nhiều bị cáo nói mình bị bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn và không có động cơ vụ lợi trong vụ án này.

Từ đó, chín bị cáo có kháng cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự trong vụ án này.

Đặc biệt, cấp sơ thẩm đã xác định, phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo.

VKS nhận định bị cáo Thiện có vai trò xuyên suốt trong vụ án, là chủ mưu. Do vậy, cấp sơ thẩm phân chia tỉ lệ bồi thường và chịu trách nhiệm dân sự cho bị cáo này ở mức lớn hơn là phù hợp.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM về thời điểm xác định thiệt hại và một lần nữa khẳng định thiệt hại phải tính đến thời điểm hai bên hủy hợp đồng ở dự án khu dân cư (KDC) Phước Kiển, thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án ở dự án KDC Ven Sông.

Trước đó, TAND TP.HCM xác định tổng thiệt hại là 207 tỉ đồng, trong khi VKSND TP.HCM xác định tổng thiệt hại là 730 tỉ đồng.

Các luật sư bào chữa ra sao?

Tại tòa, luật sư (LS) của bị cáo Thiện cho rằng thân chủ có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm s, v khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 nhưng lại không được cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Trong khi đó, LS của bị cáo Tân (cựu phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM) cho rằng khi vụ án chưa bị khởi tố, bị cáo này và các thành viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã nỗ lực trong việc đàm phán, thỏa thuận với Công ty Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án tại Phước Kiển.

Việc này góp phần ngăn chặn phần vốn nhà nước tại Công ty Tân Thuận bị thất thoát, mặc dù tại thời điểm này sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án đã hoàn thành, trước khi người này tiếp nhận công tác tại Văn phòng Thành ủy TP.HCM.

Ngoài ra, theo bị cáo Tân, khi ký công văn chấp thuận cho Công ty Tân Thuận chuyển giao tiếp tục 10% phần vốn còn lại của dự án KDC Ven Sông thì 90% giá trị dự án này đã được bán xong trước đó cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

“Điều này đồng nghĩa là vị trí, vai trò không đáng kể của bị cáo Tân trong vụ án. Tỉ lệ 1/10 thì không thể xem là “nghiêm trọng”, mà phải thuộc trường hợp “ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS” - LS của bị cáo Tân phân tích.

Với những lý lẽ nêu trên, cộng với việc thân chủ có tình tiết giảm nhẹ mới và cũng đã chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả, LS của bị cáo Tân đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo này được hưởng án treo.

Các LS khác cũng cho rằng việc tính toán thời điểm và số tiền thất thoát trong vụ án như kháng nghị của VKS là không phù hợp. Từ đó, LS đề nghị HĐXX xem xét, tính toán lại thiệt hại và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.

Tóm lược nội dung vụ án

Bản án sơ thẩm xác định các bị cáo đã thực hiện các thủ tục chuyển nhượng phần đất đã bồi thường tại dự án KDC Phước Kiển và dự án KDC Ven Sông là tài sản nhà nước do Công ty Tân Thuận quản lý sang Công ty Quốc Cường Gia Lai mà không thực hiện thẩm định giá, không đảm bảo nguyên tắc thị trường… gây thất thoát tài sản nhà nước. Đây là những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo HĐXX, bị cáo Thiện có vai trò chính, xuyên suốt trong vụ án. Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng chuyển nhượng dự án không đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Giá năm 2012. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo này 13 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó là 26 năm tù.

Còn bị cáo Cang là người đứng đầu quản lý tài sản Đảng bộ TP, vốn Văn phòng Thành ủy. Bị cáo đã có bút phê “đồng ý” vào tờ trình về việc xin chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32 ha KDC Phước Kiển, không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy... HĐXX tuyên phạt bị cáo Cang sáu năm tù, tổng hợp hình phạt chung với bản án trong vụ SADECO là 14 năm sáu tháng tù.

Các bị cáo khác nhận mức án 3-11 năm tù.

Ngoài ra, cấp sơ thẩm cũng tuyên các bị cáo phải liên đới bồi thường cho Công ty Tân Thuận số tiền thất thoát hơn 283 tỉ đồng theo tỉ lệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm