Việc một gia đình ở Nghệ An gửi mẫu bệnh phẩm qua Nhật nhờ xét nghiệm tìm nguyên nhân cái chết của con gái đã đẩy quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân tới mức căng thẳng chưa từng có. Lý giải vấn đề này, GS y học nhiệt đới Trần Tịnh Hiền (ĐH Oxford Anh quốc, nguyên Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM), cho rằng cần gấp rút xây dựng một nền y tế minh bạch và nhân bản, để qua đó quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân ngày càng được cải thiện tốt hơn.
. Phóng viên: Hiện có một thực tế là những người hành nghề y thường kết luận “bảo vệ” cho nhau làm gia đình các bệnh nhân bức xúc. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là gì? Tại sao những người làm nghề y không dám nói đúng sai, tỏ tường sự thật?
Tôi cũng không phủ nhận thực tế có nhiều lúc nhiều nơi họ đã cố che giấu sự việc (vụ tiêm nhầm thuốc ở Quảng Trị). Một yếu tố nữa là tại nước ta - theo hiểu biết của tôi - vẫn chưa có thể điều tra đầy đủ để làm tỏ tường các vụ tử vong gọi là do sốc phản vệ như thường thấy ở các nước nên rất khó kết luận. Ngoài ra còn có vấn đề bảo vệ uy tín cơ quan. Tóm lại, chúng ta chưa có văn hóa dám công khai nhận khuyết điểm!
Cần một cơ chế giám sát, đánh giá độc lập, công khai để bệnh nhân và nhân viên y tế yên tâm trong khám, chữa bệnh. Ảnh: TÙNG SƠN
. Gần đây liên tục xảy ra các ca tai biến y khoa được BV giải thích do sốc phản vệ. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn: Có không việc BV sai sót chuyên môn nhưng mượn lý do sốc phản vệ để núp bóng?
+ Không phải cơ quan y tế lấy sốc phản vệ ra để núp bóng. Những trường hợp tử vong nhanh, chưa hay không lý giải được mới gán cho là sốc phản vệ. Nói cho cùng khi không chẩn đoán chính xác được vì nguyên nhân chủ quan (thiếu năng lực chuyên môn, thiếu phương tiện) hay khách quan (bệnh quá khó, phức tạp) thì thường tìm một chẩn đoán giả định nào có vẻ hợp lý nhất. Nên nhớ rằng không phải tình trạng bệnh lý nào cũng chẩn đoán ra được, nhất là những nơi có điều kiện giới hạn.
Một điểm quan trọng nữa: Không phải chẩn đoán sốc phản vệ là có thể tránh được mọi trách nhiệm, mà cần phải xem xét cách xử trí sốc phản vệ như thế nào nữa.
. Sự giải thích vội vã này không chỉ liên quan đến trình độ chuyên môn của thầy thuốc mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của ngành y cũng như tính chuyên nghiệp y học. Theo ông, cần làm gì để khắc phục tình trạng này và cải thiện mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân?
+ Như tôi đã phân tích ở trên, ngành y chỉ là một mặt của xã hội, nếu chúng ta không tập công khai, minh bạch thì những chuyện như vậy sẽ còn xảy ra bằng nhiều hình thái đa dạng. Hiện nay nhiều nơi đã tổ chức kiểm thảo tử vong khá nghiêm túc, có nghĩa là có thể biết lý do vì sao bệnh nhân tử vong nhưng vấn đề là có muốn công khai hay không mà thôi. Muốn như vậy chúng ta phải có một “sân chơi” bình đẳng cho cả hai bên thầy thuốc và bệnh nhân về mặt pháp lý và xây dựng nền y tế nhân bản hơn (ít ra là không quăng xác bệnh nhân xuống sông, không nhân bản xét nghiệm...). Đồng thời cần minh bạch trong khám, chữa bệnh, vì nói cho cùng y đức là những quy định đạo đức trong quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân, giữa người và người.
. Xin cảm ơn ông.
DUY TÍNH thực hiện
Gửi bệnh phẩm đi nước ngoài làm rõ nguyên nhân Anh Nguyễn Văn Hùng (ở TP Vinh, Nghệ An) cho biết sau khi bé Nguyễn Khánh Hà (hai tuổi rưỡi, con gái vợ chồng anh Hùng) tử vong tại BV Nhi Trung ương (Hà Nội) ngày 20-9, gia đình đã làm thủ tục gửi mẫu bệnh phẩm (dịch gan, nước tiểu) sang Nhật để tìm rõ nguyên nhân vì sao bé Hà bị suy gan tối cấp. Trước đó, con gái anh Hùng có biểu hiện sốt, người mệt, lười ăn, lười chơi. Vợ chồng anh đưa con đến phòng khám tự nguyện BV Sản-Nhi (Nghệ An) để thăm khám. Bác sĩ cho biết bé Hà bị viêm mũi họng, viêm phế quản cấp và kê đơn thuốc kháng sinh uống. Tuy vậy bệnh bé vẫn nặng hơn. Sau đó bác sĩ khác khám kết luận bé bị viêm phổi thể hen, cho thuốc uống nhưng bệnh trạng nặng hơn. Gia đình chuyển gấp bé ra BV Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, gan, lách sưng to, men gan cao, vàng da. Đến chiều 20-9, bé Hà tử vong do bị suy gan tối cấp. Câu chuyện bé Hà tử vong được chia sẻ trên cộng đồng mạng làm nhiều người xót thương. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh Hùng cho biết thêm khi có kết quả xét nghiệm từ Nhật gửi về anh sẽ cân nhắc làm đơn yêu cầu phía BV Sản-Nhi Nghệ An trả lời, làm rõ. |