Quan hệ Việt Nam - Campuchia sẽ tiếp tục phát triển thời Thủ tướng Hun Manet

(PLO)- Ngày 22-8, Đại tướng Hun Manet chính thức trở thành tân thủ tướng của Campuchia, quốc gia láng giềng thân thiết của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quan hệ hai đất nước anh em Việt Nam (VN) - Campuchia đã phát triển rất tốt đẹp trong thời kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen. Với việc Thủ tướng Hun Manet kế nhiệm cha mình, quan hệ VN - Campuchia được kỳ vọng sẽ còn phát triển thịnh vượng và rực rỡ hơn.

Đây cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia khi trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về quan hệ VN - Campuchia thời kỳ mới, những triển vọng mới về hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng dưới thời Thủ tướng Hun Manet.

Nội các chính phủ Campuchia do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu sẽ có phiên họp đầu tiên vào sáng nay, 24-8. Ảnh: KHMER TIMES

Nội các chính phủ Campuchia do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu sẽ có phiên họp đầu tiên vào sáng nay, 24-8. Ảnh: KHMER TIMES

Vẫn một mối tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

. Phóng viên: Ông Hun Manet lên làm thủ tướng Campuchia đánh dấu một chương mới trong quan hệ hai nước. Chuyên gia nhận định gì về quan hệ song phương VN - Campuchia thời gian tới, khi Thủ tướng Hun Manet lãnh đạo Campuchia?

+ Chuyên gia Him Raksmey, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), giảng viên tại Viện Nghiên cứu quốc tế và chính sách công (IISPP), ĐH Hoàng gia Phnom Penh: Theo tôi, chiều hướng tốt đẹp trong quan hệ giữa Campuchia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet với VN không dễ bị thay đổi, vì ba lý do.

Thứ nhất, Thủ tướng Hun Manet sẽ đi theo đường lối chính thức của đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) là thúc đẩy hợp tác tốt đẹp với tất cả các nước thân thiện, đặc biệt là các nước láng giềng của Campuchia, trong đó có VN. Thủ tướng Hun Manet đã nhiều lần khẳng định trong nhiều sự kiện công khai rằng ông sẽ làm như vậy.

Thứ hai, chính phủ Thủ tướng Hun Manet gồm đa phần là người trẻ sẽ được những cá nhân giàu kinh nghiệm từng phục vụ chính phủ Thủ tướng Hun Sen hỗ trợ. Những cá nhân giàu kinh nghiệm này vốn đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp Campuchia - VN trong việc thúc đẩy những phát triển tích cực ở Campuchia.

Thứ ba, quan hệ Campuchia - VN được thể chế hóa cao độ. Hai nước có các kênh trao đổi thông tin toàn diện và hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực. Xu hướng này sẽ được duy trì và sẽ được tăng cường hơn nữa.

+ Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang - TS khoa học chính trị, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore (ISEAS): Quan hệ VN - Campuchia trong giai đoạn Thủ tướng Hun Manet lãnh đạo Campuchia sẽ ổn định và phát triển, tiếp nối truyền thống hữu nghị của hai nước trong giai đoạn lãnh đạo trước đó của Thủ tướng Hun Sen.

Ưu tiên ngoại giao của ông Hun Manet là củng cố quan hệ với các nước láng giềng, đồng thời duy trì chính sách ngoại giao độc lập, dựa trên luật pháp quốc tế và ưu tiên hợp tác, phát triển kinh tế. Quan điểm này cũng tương đồng với chính sách ngoại giao của VN.

Với Hiệp định thương mại biên giới VN - Campuchia được ký kết cuối năm ngoái, tôi tin rằng những hoạt động ngoại giao nhân dân sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển. Quá trình đàm phán phân giới cắm mốc đường biên giới hai nước đang diễn ra tốt đẹp sẽ tạo ra nền tảng bền vững cho mối quan hệ giữa hai nước.

Chuyên gia Nguyễn Khắc Giang

Một số lĩnh vực hợp tác mà hai nước có thể xúc tiến để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân đôi bên: tiếp tục phát huy các cách tiếp cận chủ động và bền vững nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ nhân dân; mở rộng hơn nữa hợp tác nghiên cứu giữa các tổ chức và cá nhân ở hai nước về quan hệ hai bên; thúc đẩy ngoại giao giữa giới học thuật và các nhóm chuyên gia ở Campuchia và VN.

Chuyên gia Him Raksmey

Hợp tác cùng tiến, cùng có lợi về kinh tế

. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua. Đặc biệt, chỉ trong năm tháng đầu năm 2023, VN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong số 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông đánh giá gì về thành tựu này và các bên nên làm thế nào để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương phát triển hơn nữa?

+ TS Nguyễn Khắc Giang: Đây là thành tựu đáng ghi nhận, đặt trong bối cảnh cả hai nước đều gặp khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế hậu COVID-19. Điều này cũng cho thấy ưu tiên của VN trong việc tăng cường hợp tác kinh tế với Campuchia, đặc biệt khi tình hình chính trị quốc tế có nhiều biến động và cạnh tranh ở khu vực ngày càng gay gắt.

Theo tôi, để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương phát triển hơn nữa, ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kết nối giao thông giữa hai nước. Tiếp theo là hoàn thiện thể chế để khuyến khích đầu tư qua lại giữa hai nước, đặc biệt là ở các khu kinh tế ở vùng biên.

. Ông nhận định đâu là các lĩnh vực hợp tác kinh tế mũi nhọn giữa hai nước và các lĩnh vực nào hai bên cần chú trọng tăng cường hợp tác sâu rộng hơn?

+ TS Nguyễn Khắc Giang: Về các ngành sản xuất, VN có thể tận dụng ưu thế về các hiệp định thương mại tự do, cũng như là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp toàn cầu lớn để kết nối Campuchia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về nông nghiệp, VN có thể hỗ trợ về giống cây trồng, quy trình canh tác, công nghệ chế biến và lưu trữ. Thêm vào đó, những lĩnh vực các doanh nghiệp VN đang làm tốt ở Campuchia, như viễn thông và nông sản, cần tiếp tục được khuyến khích và phát huy.

Điều quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng tiến, hai bên cùng có lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế và lợi ích của người dân hai nước.

. Xin cảm ơn hai chuyên gia.•

Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng Campuchia thành lập Quốc hội khóa VII và chính phủ nhiệm kỳ VII

Ngày 22-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng Thủ tướng Campuchia Hun Manet; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi thư chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sodary, theo báo điện tử Chính phủ.

Lãnh đạo VN tin tưởng dưới sự lãnh đạo của thủ tướng và chủ tịch Quốc hội mới, Campuchia sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới.

Lãnh đạo VN tin tưởng trong thời gian tới, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa VN và Campuchia sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho cộng đồng ASEAN, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi thư chúc mừng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Sok Chenda Sophea.

Ngoại giao Campuchia - ASEAN thời Thủ tướng Hun Manet

Về các cam kết ngoại giao sắp tới của Campuchia với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo chuyên gia Him Raksmey, Thủ tướng Hun Manet sẽ tuân theo đường lối của cựu Thủ tướng Hun Sen và đảng CPP là tiếp tục gắn kết với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng như ASEAN.

Dự kiến Thủ tướng Hun Manet sẽ dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 5 đến 7-9 tại Jakarta (Indonesia). Tại kỳ hội nghị này, ông Hun Manet nhiều khả năng sẽ tái khẳng định cam kết của Campuchia đối với ASEAN và thúc đẩy quan hệ hữu nghị với tất cả quốc gia thành viên ASEAN. Thủ tướng Hun Manet có thể sẽ đảm bảo tính liên tục trong chính sách đối ngoại của Campuchia đối với tất cả thành viên ASEAN và đề nghị hợp tác chặt chẽ với các nước này để giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực trên các cấp độ song phương, khu vực và quốc tế.

Theo ông Him Raksmey, chuyến thăm Jakarta cũng sẽ là chuyến công du chính thức nước ngoài đầu tiên của ông Hun Manet. Điều này có ý nghĩa biểu tượng rằng Campuchia dưới thời Thủ tướng Hun Manet tiếp tục coi trọng ASEAN và đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp với các nước ASEAN.

TS Nguyễn Khắc Giang cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại của ông Hun Manet. Ông sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao trung lập, cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, củng cố hợp tác với các nước láng giềng và nỗ lực gia tăng vai trò của Campuchia trong các thể chế đa phương khu vực, đặc biệt là ASEAN. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực sẽ tạo điều kiện cho ông Hun Manet khởi động lại quan hệ với các nước phương Tây, vốn có phần căng thẳng trong những năm cuối nhiệm kỳ của ông Hun Sen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm