TP.HCM hơn 10 triệu dân, nếu so với dân số của cả đất nước Singapore, chúng ta hơn gấp đôi. Vì dân số đông đúc cộng với kinh tế phát triển nhanh chóng nên TP phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó có khía cạnh về bảo vệ môi trường.
Phân loại chất thải tại nguồn
Theo thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM, mỗi ngày TP thải ra khoảng 7.500 tấn rác, dự kiến đến năm 2020 con số này nâng lên từ 10.000 đến 12.000 tấn/ngày. Từ nhiều năm trước, TP đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn (PLCTRTN). Từ đó đến nay, vì nhiều khó khăn nên chương trình vẫn chưa được áp dụng chính thức.
Là một trong những địa phương được chọn thí điểm thực hiện PLCTRTN, quận 5 đã tích cực hưởng ứng tham gia. Bà Phạm Thị Thúy Nhàn, Phó trưởng phòng TN&MT quận 5, cho biết chương trình thí điểm triển khai tại chung cư Phước Thịnh, các chợ Hòa Bình, Bàu Sen, Xã Tây, Hà Tôn Quyền, Phùng Hưng. Quá trình thực hiện đã đặt ra nhiều cơ hội, được các tiểu thương, người dân ủng hộ… Tuy nhiên, khó khăn vẫn là công tác tuyên truyền vì nhiều người dân ở thuê mướn, không ổn định hay bất cập trong việc tìm chỗ lưu chứa rác thực phẩm. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa TP Osaka (Nhật Bản) và Sở TN&MT TP.HCM, năm 2013 quận Bình Thạnh lựa chọn khoảng 87 hộ dân trong một đường dây gom rác để thực hiện thí điểm. Sau khi tập huấn, phát thùng rác đến người dân và xe đẩy tay cho lực lượng thu gom thì chương trình tạm ngưng do chưa chuẩn bị đầy đủ phương tiện.
Năm 2014, chính quyền địa phương lại tiếp tục thí điểm và người dân thực hiện khá tốt. Tuy nhiên một số hộ vẫn chưa PLCTRTN vì chính quyền gặp khó khăn trong việc tiếp xúc, vận động và thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Rác sinh hoạt thải xuống dòng kênh gây khó khăn cho công tác thu gom. Ảnh: NC
Ứng dụng công nghệ phù hợp
PLCTRTN là một trong những chương trình thiết thực nhằm giải quyết vấn đề chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Song song đó, áp dụng công nghệ xử lý giúp cho bộ máy thu gom rác vận hành trơn tru hơn, từ nguồn thải đến nơi xử lý.
Ngày 9-8, hội thảo Quản lý chất thải rắn sinh hoạt TP.HCM theo hướng sử dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững do Sở TN&MT TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng về Công nghệ và Quản lý môi trường – ĐH Văn Lang cùng một số cơ quan, trường ĐH từ Thái Lan phối hợp tổ chức thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho rằng PLCTRTN là chủ trương của TP. Tuy nhiên, để dự kiến đến năm 2018 chương trình sẽ được nhân rộng trên toàn TP thì việc thực hiện một cách hiệu quả là hết sức khó khăn. Về chất thải rắn sinh hoạt, theo bà, với lượng rác phát sinh lớn như trên cộng theo thành phần rác phức tạp, đa dạng thì thách thức đặt ra là tìm được công nghệ xử lý phù hợp. Hơn nữa, tận dụng nguồn tài nguyên từ rác thải thông qua công nghệ xử lý đa dạng cũng là một trong những yêu cầu then chốt. Qua đó chúng ta có thể tận dụng từ rác bỏ đi để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế.
Được biết, tại các khu liên hiệp xử lý rác thải trên địa bàn TP hiện nay, tỉ lệ chôn lấp rác lên đến 70%. Điều này đòi hỏi yêu cầu quỹ đất khá lớn trong khi diện tích TP ngày càng chật hẹp. Trong khi đó việc chôn lấp rác không an toàn dẫn đến nhiều hệ lụy khác như mùi hôi phát tán đến khu vực xung quanh, nước rỉ rác… Bà Mỹ chia sẻ, hiện nay có nhiều đơn vị đang trình Sở hồ sơ công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tập trung nhiều vào công nghệ đốt với đơn giá rất hấp dẫn để TP có thể cân nhắc, lựa chọn.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều vấn đề nổi bật liên quan đến hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt, mô hình, công nghệ áp dụng thành công tại một số nước. Thông qua chương trình, Sở mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học với kinh nghiệm của mình sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, hoạt động, công nghệ để xử lý chất thải. Từ đó chúng ta có thể áp dụng, từng bước cải thiện các vấn đề liên quan đến môi trường, để TP ngày càng đẹp hơn.