Quản lý chặt, tỷ lệ trượt sát hạch lấy bằng lái xe tăng cao

(PLO)- Từ mức 90-95% đỗ sát hạch lấy bằng lái xe trước đây, nay áp dụng các biện pháp quản lý chặt công tác đạo tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe, tụt xuống còn 65%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo Thủ tướng về tình hình an toàn giao thông mới đây, Bộ GTVT cho biết kết quả ban đầu của việc tăng cường quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Theo đó, trước đây, học viên thi bằng phương pháp thủ công, sát hạch viên ngồi trên xe, thì tỉ lệ đỗ trung bình khoảng 90% đến 95%, nhưng có dư luận về tính khách quan, chính xác cũng như chất lượng sát hạch.

Khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Bộ GTVT đã đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong hình, lái xe trên đường, tổ chức giám sát các kỳ sát hạch bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp thông qua hệ thống camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình.

“Song song đó, việc sát hạch lái xe được thực hiện công khai minh bạch, hạn chế sự can thiệp của con người vào kết quả sát hạch nên chất lượng sát hạch đã nâng cao rõ rệt, các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp, được dư luận rất đồng tình, đánh giá cao…” - Bộ GTVT cho hay.

Kết quả là, tỉ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe còn khoảng 65%.

Học viên thực hiện bài thi sát hạch trong hình. Ảnh: PLO
Học viên thực hiện bài thi sát hạch trong hình. Ảnh: PLO

Về giáo trình đào tạo lái xe ô tô, hiện gồm 5 môn học: Luật Giao thông đường bộ, cấu tạo và sửa chữa thông thường ô tô, nghiệp vụ vận tải, kỹ thuật lái xe ô tô, đạo đức và văn hóa giao thông.

Bộ giáo trình này được nghiên cứu biên soạn, sửa đổi nhiều lần trên cơ sở tham khảo tài liệu các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, có chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở soạn giáo án giảng dạy thống nhất trong cả nước.

Đến sửa đổi lần thứ 4 năm 2019, giáo trình đã bổ sung nội dung giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử của người lái xe khi tham gia giao thông, kỹ năng xử lý các tình huống trên đường, sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông.

Về sát hạch lý thuyết, từ việc sát hạch trắc nghiệm trên giấy với bộ đề thi 150 câu hỏi (năm 1995), ngành giao thông vận tải đã xây dựng bộ 300 câu hỏi (từ năm 2005), 405 câu hỏi (từ năm 2009), 450 câu hỏi (từ năm 2012), và 600 câu hỏi (từ năm 2020). Ngành cũng thường xuyên rà soát, sửa đổi nội dung cho phù hợp với thực tế, sử dụng phần mềm sát hạch để người dự sát hạch thực hiện bài sát hạch trên máy vi tính với các đề sát hạch ngẫu nhiên lấy trong bộ câu hỏi.

Bộ GTVT cũng cho biết trước đây, các bài sát hạch tiến và lùi xe qua các cọc chuẩn, cán bộ sát hạch ngồi trên xe cùng với thí sinh để chấm điểm. Đến nay sân sát hạch được xây dựng theo quy chuẩn, có đủ tình huống tương tự như các tình huống khi tham gia giao thông trên đường giao thông thực tế. Khi sát hạch, không có cán bộ sát hạch ngồi trên ô tô sát hạch, thí sinh tự điều khiển ô tô qua các bài sát hạch trong sân, thiết bị tự động chấm điểm.

“Năm 2017, trong chương trình hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tổ chức đường bộ Vicroad của Australia đã khảo sát nội dung, chương trình, giáo trình, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp và quản lý giấy phép lái xe của Việt Nam tại một số tỉnh phía Bắc. Tại đây họ có đánh giá về chương trình đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe của Việt Nam chặt chẽ và hiện đại so với Australia và một số nước phát triển…”- Bộ GTVT cho hay.

Hiện cả nước có 370 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố và 154 trung tâm sát hạch lái xe ô tô được phân bổ ở 58, tỉnh, thành. Riêng 5 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch lái xe ô tô gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bạc Liêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm