Sáng 22-4, Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường thuộc UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị “phản biện dự thảo luật giáo dục (sửa đổi)”.
GS Nguyễn Đăng Dung nói ông có cảm giác dự thảo luật giáo dục sửa đổi lần này là để "ốp" thị trường vào.
GS Nguyễn Đăng Dung nêu quan điểm về việc sửa luật giáo dục. Theo GS Dung, Dự thảo luật được chỉnh sửa quá nhiều lần nên không theo dõi nổi. “Nguyên tắc là luật sửa luật hiện hành thì phải giữ lề cũ chứ thế này cứ rối tung lên, rất phí phạm. Thử xem hiến pháp Mỹ, từ bản đầu tiên có 7 điều năm 1789 sau nhiều lần tu chính thì đến nay thành 34 điều. Nhưng cách của họ là cũng chỉ thêm vào chứ có vứt hết đi đâu”, GS Dung so sánh.
Theo GS Dung, điều cần thiết nhất phải là phải có tinh thần học thuật trong luật này. Nếu không, dù 5 hay 10 năm nữa luật vẫn khó có thể thành công trong việc thúc đẩy tinh thần tự do học thuật.
Ngay cả vấn đề triết lý giáo dục, GS Dung đề nghị cần quy định rõ trong luật thay vì đưa ra chương về “chính sách giáo dục” trong luật.
“Tôi cảm giác như bản dự thảo này là cốt để đem thị trường “ốp” vào đây. Nhưng không thể vận dụng nguyên cả thị trường vào giáo dục. Làm sao phải khuyến khích, thúc giục được tinh thần tự do học thuật trong dự luật này chứ không thì rất khó, không phát triển được”, GS Dung nói.
Còn TS Nguyễn Viết Chức phát biểu rất nhiều vấn đề trong dự thảo luật. Một trong những vấn đề mà ông Chức nêu là quản lý giáo dục. Ông Chức nói vấn đề quản lý giáo dục đang được xã hội rất quan tâm. Bối cảnh của nó là có nhiều cán bộ vi phạm giáo dục, lợi dụng quyền hạn để làm những điều trái giáo dục…
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói rằng, quản lý giáo dục không thể chọn người... không ra gì! Ảnh: CHÂN LUẬN
TS Chức đề nghị: “Luật phải ghi rất rõ quyền phải làm được gì, làm đến đâu, tiêu chí gì để quản lý giáo dục. Điều này để tránh hiện tượng con ông cháu cha là vào hệ thống quản lý giáo dục. Vì quản lý là phải quản lý “máy đào tạo ra con người” chứ không phải chọn những người quản lý không ra gì”.
Về hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm, TS Chức nói đây là điều vô cùng bất cập. Ông và nhiều nhà giáo dục nổi tiếng như Văn Như Cương, Hồ Ngọc Đại… đều thấy hệ thống giáo dục 12 năm này lạc hậu lắm rồi. “Trẻ em giờ phát triển tốt hơn nhiều rồi. Thời tôi thì giỏi là học 9 năm, dốt hơn 10 năm là được. Vậy thì lý do gì cứ phải khư khư giữ 12 năm?”, TS Chức đặt câu hỏi.
Ý kiến các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng đây là một luật quan trọng, cần tạo ra được cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề nổi cộm trong giáo dục hiện nay.