Ngày 15-11, Quốc hội dành một buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Giữa hàng loạt vấn đề nóng của ngành, nhiều đại biểu (ĐB) dành sự quan tâm đặc biệt tới triết lý giáo dục.
“Chim chích vào rừng rậm”
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng không quá khó để tìm một câu khẩu hiệu trong các trường học. Thế nhưng trong hàng chục câu khẩu hiệu được nêu trong một công văn của Bộ GD&ĐT, có câu khẩu hiệu nào “đủ cô đọng và khái quát ở tầm tư tưởng để trở thành triết lý giáo dục của Việt Nam?”.
Ông Nhân cho rằng triết lý giáo dục được xây dựng trên bốn trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. “So sánh mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục của dự thảo với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm dường như không thay đổi gì nhiều” - ông nói.
Cạnh đó, bốn trụ cột để hình thành triết lý giáo dục trong dự luật đã rõ ràng, có nhiều điểm hay nhưng toàn bộ điều khoản sau đó không xoay quanh bốn trụ cột này mà hầu như chỉ tập trung giải quyết các sự vụ, sự việc.
“Nội dung, phương pháp giáo dục từ nhiều năm qua vấp phải không ít phản ứng của xã hội. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận phương thức giáo dục của chúng ta hiện nay như 50-60 năm qua” - ông Nhân nói và nhận định “cỗ máy giáo dục” vẫn chưa có nhiều thay đổi để thích ứng với gia tốc ngày càng nhanh của xã hội.
Cũng theo ông Nhân, một trong những mục tiêu của giáo dục là hội nhập quốc tế nhưng toàn bộ dự luật không có bất kỳ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập. Tuy các em được học tiếng Anh từ rất sớm nhưng nhiều trường hợp không thể sử dụng được tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT…
Trong khi đó, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho hay ông thật sự hoang mang khi đọc bốn điều về mục tiêu giáo dục. “Tôi thấy tập trung tất cả ngôn từ đúng, hay, đẹp nhưng tôi lo khi cụ thể hóa thành phương pháp giáo dục, chương trình giáo dục chúng ta sẽ như “chim chích vào rừng rậm”, rất khó” - ông Thức nói và cho rằng các khái niệm quá nhiều như vậy thì không biết triết lý giáo dục nằm ở đâu.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho hay Bộ đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia, sẽ nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo sự thống nhất cao về triết lý giáo dục, từ đó có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Ảnh: TTXVN
Lấy học sinh ra làm chuột bạch
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) dành cả phần thảo luận của mình chỉ bàn về vấn đề thực nghiệm.
Theo ĐB Tuấn, thời gian qua vấn đề thí điểm, thực nghiệm của ngành giáo dục có một số chỗ không đạt yêu cầu. “Lấy học sinh (HS) ra làm chuột bạch, được thì tốt, không được thì không biết HS đi về đâu vì sai một ly là đi một dặm” - ĐB Tuấn nói.
Theo vị ĐB, từ kỳ họp trước ông đã đề nghị các chương trình thí điểm, thực nghiệm phải được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi triển khai. Kiến nghị này đã được ban soạn thảo đưa vào nội dung dự thảo lần này. Tuy nhiên, cách viết lòng vòng, không thể hiện sự cầu thị. “Dự thảo quy định: “Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công”. Điều này có nghĩa là chỉ khi nào áp dụng đại trà mới trình xin ý kiến, còn thí điểm thì không. Như vậy, ban soạn thảo vẫn giữ nguyên quan điểm việc thực nghiệm, thử nghiệm không cần thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - ông nói.
Ông Tuấn cũng thể hiện sự bức xúc trước thực tế chương trình VNEN (mô hình trường học mới tại Việt Nam - PV) tốn bao nhiêu tiền nhưng hết giai đoạn 2015-2016 không có tổng kết. “Công việc diễn ra do nóng vội, tập huấn chưa đầy đủ, những bất cập này trong chương trình VNEN đã được Bộ GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm. Thế nhưng HS đi về đâu?”.
Ông Tuấn sau đó đề nghị nếu ban soạn thảo không tiếp thu ý kiến ĐB cũng phải nói rõ lý do, “đừng viết lòng vòng”.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) lại đề nghị cần phải đầu tư cho “máy cái” của giáo dục là các trường sư phạm. “Nếu đào tạo bác sĩ phải mất 6-7 năm thì đào tạo mầm non không nhất thiết phải bốn năm. Có thể 2,5-3 năm nhưng phải chọn được cô giáo trẻ, đẹp, có sức khỏe, năng lực và có năng khiếu để các cháu có điều kiện tiếp cận ngay từ thời còn trẻ thơ đối với nền học vấn của mình sau này” - ông Thưởng nhấn mạnh.
ĐB cũng nhận định giáo dục đang phức tạp hóa những vấn đề hết sức đơn giản. “HS lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc biết viết, HS phổ thông chỉ cần biết kiến thức phổ thông. Nhưng hiện nay ta đang hàn lâm hóa…” - vị ĐB nói và cho rằng nguyên nhân trên do người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn. Từ đó vị ĐB cho rằng không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ, bà kia” khi các cháu không thích và không đủ năng lực.
Đề xuất hết lớp 9 có thể học lên cao đẳng Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (ĐB Quốc hội Hà Nội) Lê Quân dành toàn bộ thời gian phát biểu về việc phân luồng trong giáo dục. Ông cho rằng các em hết 15 tuổi mà không có khả năng học THPT thì vào học nghề. Ông cho biết xu hướng trên thế giới là gia nhập thị trường lao động rất sớm. Nếu các em theo học phân luồng sớm, hết THCS vào học nghề thì 18-19 tuổi các em đã gia nhập thị trường lao động. Sau đó các em có thể học liên thông 1-2 năm để lấy bằng đại học. Đây là một mô hình rất thành công tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, thậm chí các quốc gia phát triển như Pháp. “Nếu chúng ta giải quyết phân luồng tốt thì cũng như đang giải quyết vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu” - ông Quân nói thêm. Ông Quân đề nghị dự thảo nên quy định theo hướng THCS không chỉ học lên trung cấp mà có thể học lên thẳng cao đẳng. Vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm mô hình học hết chín năm lên học cao đẳng. “Chương trình 3-4 năm thiết kế tổng thể cả văn hóa, cả kỹ năng nghề, các em 18-19 tuổi đúng luật lao động gia nhập thị trường và rất hiệu quả” - ông Quân nói. |