Sau khi máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (Malaysia) bay từ Hà Lan đến Malaysia bị rơi trên không phận miền Đông Ukraine, cơ quan tình báo Mỹ khẳng định máy bay MH17 đã bị trúng tên lửa.
Mỹ nói Nga giúp lực lượng ly khai
Theo cơ quan tình báo Mỹ, kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh gián điệp cho thấy tên lửa bắn rơi máy bay MH17 là tên lửa đất đối không Buk. Cơ quan tình báo Mỹ đã theo dõi được đạn đạo tên lửa đến mục tiêu.
Ngày 18-7 (giờ địa phương), Mỹ đã đưa ra tuyên bố chính thức về vụ máy bay MH17 rơi.
Theo trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Obama khẳng định đến nay các bằng chứng đều cho thấy máy bay MH17 bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không. Tên lửa được phóng đi từ khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine.
Hệ thống phóng tên lửa đất đối không Buk với tầm bắn cao đến 25 km. Ảnh: REUTERS
Ông nói Mỹ biết lực lượng ly khai ở Ukraine nhận được hỗ trợ liên tục từ Nga với hình thức hỗ trợ bao gồm huấn luyện và vũ khí, trong đó có vũ khí hạng nặng và vũ khí phòng không. Tuyên bố này ám chỉ Nga cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai bắn rơi máy bay MH17.
Cùng ngày, hãng tin AP đưa tin phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết Mỹ không loại trừ khả năng Nga hỗ trợ lực lượng ly khai Ukraine bắn hạ máy bay MH17.
Bà nói Mỹ tin rằng máy bay MH17 bị bắn hạ bằng tên lửa Buk SA-11 từ khu vực lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine. Bà khẳng định Nga đã cung cấp tên lửa Buk SA-11 và vũ khí hạng nặng khác cho lực lượng ly khai.
Bà cho biết ngày 17-7, một phóng viên phương Tây đã phát hiện một giàn phóng tên lửa Buk SA-11 đặt gần TP Snizhne (vùng Donetsk ở miền Đông Ukraine).
Bà cho rằng với kỹ thuật phức tạp của hệ thống tên lửa Buk SA-11, lực lượng ly khai Ukraine khó có thể điều khiển hiệu quả giàn phóng nếu như không có các chuyên viên hỗ trợ. Vậy nên Mỹ không loại trừ khả năng nhân sự người Nga hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng ly khai vận hành giàn phóng tên lửa.
Bà nói quân đội Ukraine cũng có các giàn phóng tên lửa Buk SA-11 nhưng Mỹ không có thông tin về bất cứ giàn phóng nào nằm trong khu vực máy bay MH17 bị bắn.
Có thể bắn tên lửa Buk theo cách thô sơ
Máy bay MH17 bay trên độ cao 10.000 m, do đó các chuyên gia quân sự cho rằng chỉ có tên lửa trang bị cho quân đội chính quy quốc gia mới có thể bắn đến độ cao này. Tên lửa xách tay cá nhân như tên lửa Stinger của Mỹ được quân nổi dậy Afghanistan sử dụng để bắn trực thăng Liên Xô (cũ) trong những năm 1980 phải chào thua.
Tên lửa Buk (NATO gọi là “Con mòng”) nặng 721 kg, là tên lửa đất đối không cơ động tầm trung, có bán kính hoạt động 45 km, bắn đến độ cao 25 km. Tên lửa mang đầu đạn phân mảnh 70 kg. Khi nổ đầu đạn vỡ thành hàng trăm mảnh.
Viện Nghiên cứu thiết kế công cụ Tikhomirov của Nga phát triển tên lửa này từ cuối thập niên 1970. Theo báo Le Figaro (Pháp), mẫu đầu tiên là tên lửa M1 SA-11 được sử dụng năm 1984. Mẫu thứ hai ra đời 10 năm sau. Mẫu mới M2 SA-17 được sử dụng năm 1998. Tập đoàn Almaz-Antey vẫn đang sản xuất tên lửa Buk ở Ulyanovsk (Nga).
Theo danh mục của NATO, Ukraine trang bị nhiều tên lửa Buk. Nga, Grudia, Phần Lan và Syria đều đã mua tên lửa Buk.
Hệ thống tên lửa Buk gồm ba thành phần:
- Một xe chỉ huy loại 9S470M1 làm nhiệm vụ xử lý thông tin và ra lệnh bắn.
- Một xe trang bị radar 9S18M1 (nhận dạng mục tiêu và truyền vị trí cho xe chỉ huy) với giàn phóng bốn tên lửa 9A310M1S.
- Một xe trang bị radar cảnh giới.
Hệ thống này cần tổ điều khiển gồm khoảng 10 binh sĩ có chuyên môn cao, do đó phải quân đội chính quy qua đào tạo mới điều khiển được. Dù vậy, Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng IHS cho biết một giàn phóng Buk vẫn có thể hoạt động đơn độc với radar bố trí bên trong làm nhiệm vụ dẫn đường.
Như vậy lực lượng ly khai Ukraine cũng có thể sử dụng tên lửa Buk theo cách thô sơ. Trong lực lượng ly khai Ukraine có nhiều cựu binh từ quân đội Liên Xô cũ, Nga và Ukraine nên có tay nghề về khả năng điều khiển tên lửa.
HOÀNG DUY - THẠCH ANH