Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (TTDBKTTVQG), cho biết trong 9 giờ qua, các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-180mm/09h.
Do mưa lớn, lũ đặc biệt lớn đã xảy ra trên các sông tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đều ở mức tương đương và cao hơn lũ lịch sử. Sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng đã xảy ra nghiêm trọng tại hai tỉnh trên.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại Quảng Trị. Ảnh: CTV
Trung tâm dự báo trong 6 giờ tới ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục có mưa rất to, lượng mưa từ 50-150mm/06h; ở Nghệ An có mưa, phía Nam có mưa to với lượng mưa 30-70mm/06h.
Ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa với lượng mưa 10-20mm/06h. Trong 48 giờ tiếp theo ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 400-600mm; ở Nghệ An 100-200mm, riêng phía Nam có nơi trên 300mm.
"Dự báo trong ngày hôm nay, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Quảng Trị dao động ở mức cao (trên báo động 3). Đêm nay, ngày mai, trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị mực nước sẽ lên vượt mức báo động 3, lũ đặc biệt lớn sẽ xuất hiện, không ngoại trừ các sông tiếp tục lên vượt mức lịch sử" - Trung tâm cho biết.
Dự báo mưa lũ ở Trung Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất diện rộng tiếp tục diễn ra. Ngoài các khu vực đã và đang bị ảnh hưởng thì khu vực bắc Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh là khu vực trong tâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét từ nay đến ngày 20-10. Nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vừa và nhỏ, các hồ chứa xung yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Ngoài ra, các khu vực miền núi các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tuy mưa đã giảm nhưng nguy cơ sạt lở dất ở vùng núi vẫn rất cao, do đất đá đã bão hòa nước và nước rút gây sạt lở bờ sông.
Với tình hình mưa, lũ như trên, cơ quan khí tượng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 4.
Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (Ban chỉ đạo Trung ương) khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về mưa, lũ. Đồng thời, giữ liên lạc và tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, khẩn trương di dời ra khỏi khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét; hạn chế di chuyển trong lũ; trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn.
"Người dân không đi qua ngầm, tràn, cầu, cống hoặc các đường giao thông khi lũ đang tràn qua; không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trong vùng ngập lũ, sạt lở đất. Ngắt toàn bộ các thiết bị điện, khóa van ga, kê cao các đồ vật cần bảo quản" - Ban chỉ đạo Trung ương khuyến cáo.
Các chuyên gia về phòng chống thiên tai cũng đề nghị người dân chuẩn bị và sử dụng áo phao hoặc các dụng cụ có thể làm vật nổi. Sạc pin điện thoại, pin dự phòng, đèn pin; dự trữ, bảo vệ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh trong tình huống ngập lụt, chia cắt dài ngày; đảm bảo an toàn, nhất là về điện; chủ động dọn dẹp, tiêu hủy xác súc vật, vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút.
Đối với các cơ quan báo chí thực hiện tác nghiệp tại khu vực xảy ra mưa lũ, Ban chỉ đạo Trung ương cũng khuyến cáo không cố cho xe vượt qua hoặc tác nghiệp tại các vị trí đang có nguy cơ sạt lở, đường đang bị ngập sâu, chảy xiết, không có hướng dẫn đảm bảo an toàn. Các xe không được sát nhau, phải cách nhau tối thiểu 20m.
"Khi đỗ xe, hoặc đứng tác nghiệp phải quan sát xung quanh, cả taluy dương và âm và cả chỗ đang đứng. Nếu thấy không an toàn phải di chuyển ngay. Không tác nghiệp một mình, mà phải đi theo nhóm và có dây chắc chắn liên kết với nhau để hỗ trợ khi cần thiết" - ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh.
Ngoài ra, các phóng viên cần mang theo tư trang gọn gàng để cơ đông được nhanh, hạn chế đi guốc hoặc dép không có quai hậu. Luôn có áo phao và nên có lương khô và nước uống, đèn pin. Điện thoại nên có dự phòng, không được để hết pin, nên có hai nhà mạng, nhất là nhà mạng có phủ sóng vùng rừng núi.