Dự kiến theo kế hoạch, vào tháng 10-2023, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4. Để chuẩn bị đón đoàn thanh tra, tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực cùng với các địa phương trên cả nước thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU để gỡ “thẻ vàng” của EC.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế
Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Quảng Bình cho biết, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thời gian qua luôn chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU.
Các khuyến nghị của EC như: Hoàn thiện khung pháp lý trong quản lý thủy sản; quản lý tàu cá, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá; giám sát, chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật và xử lý vi phạm được tỉnh tập trung thực hiện đầy đủ, phù hợp với tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU vẫn còn đó một số tồn tại, hạn chế đang được khẩn trương khắc phục như: Vẫn còn nhiều tàu cá nhưng chưa có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép đã hết hạn, chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Công tác ghi, nộp nhật ký khai thác thuỷ sản chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều chủ tàu cá chưa thực hiện ghi chép trên biển, khi vào bờ mới ghi, nộp nhật ký khi được yêu cầu. Tình trạng tàu cá vượt ranh giới trên biển, mất kết nối và tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản chưa ngăn chặn triệt để.
“Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 1.167 tàu cá từ 15 mét trở lên, trong đó có 1.135 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 97,3%. Còn 32 tàu cá chưa lắp đặt được giám sát hết sức chặt chẽ, qua rà soát thì hầu hết các tàu không hoạt động hoặc đang thực hiện cải hoán”, ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết.
Nguyên nhân do đâu?
Theo lãnh đạo Chi Cục thuỷ sản Quảng Bình cho biết, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nói trên chủ yếu là do nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa có ý thức chấp hành pháp luật, dù đã nắm được quy định nhưng không thực hiện.
Đặc biệt một số các chủ tàu cố tình ngắt kết nối, không duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình để trốn tránh sự giám sát của các đơn vị chức năng. Các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá hướng dẫn quản lý, sử dụng thiết bị cho ngư dân chưa tốt, tính năng cảnh báo còn chưa hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa phát huy vai trò của UBND cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại vùng nước ven bờ còn hạn chế. Cùng với đó nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, tập tính của đa số các đối tượng thuỷ sản khai thác là sống theo đàn, di cư, sinh sản theo mùa, dòng hải lưu. Trong khi số lượng tàu cá lớn đã tạo áp lực cho ngư dân dẫn đến vi phạm.
Mặt khác, nguồn lực thực hiện chống khai thác IUU còn hạn chế, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá hoạt động kiêm nhiệm nên khó bố trí thời gian thực hiện. Chưa thành lập lực lượng kiểm ngư tỉnh, nguồn kinh phí bố trí cho chống khai thác IUU còn ít. Tàu kiểm ngư đã cũ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.
“Để chống khai thác IUU, công tác tuyên truyền đã được các cấp, ngành thực hiện đến từng người dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó, việc chưa đủ khả năng về nguồn lực, kinh phí cũng như chưa có lực lượng kiểm ngư, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát cũng sẽ dẫn đến việc vi phạm của ngư dân”, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản Quảng Bình cho biết.
Kiên quyết xử lý, ngăn chặn khai thác trái phép
Xác định ngư dân là nhân tố quyết định trong việc loại bỏ hoạt động khai thác IUU, từ đầu năm đến nay, Sở NN-PTNT cùng lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Bình và các địa phương đã tổ chức 67 hội nghị với 4.652 lượt người, tổ chức cho 4.725 lượt chủ tàu/thuyền trưởng tàu cá ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.
Đã in, phát hơn 11.900 tờ rơi tuyên truyền, đặc biệt Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã in ấn, phát 2000 tờ dán, ép nhựa chống nước cho chủ tàu để dán trên cabin tàu cá. Đồng thời, lồng ghép vận động, nhắc nhở chủ tàu/thuyền trưởng trong các hoạt động chuyên môn như đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản...
“Đến nay, toàn tỉnh có 3.599 tàu cá từ 6m trở lên đã thực hiện đăng ký, đạt 99,7%. Trong đó, 3.574 tàu cá được cấp phép và có 1.135 tàu cá từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trong 5 năm qua, lực lượng Biên phòng, Chi cục Thuỷ sản và các địa phương đã tổ chức 428 cuộc kiểm tra, xử lý 477 trường hợp vi phạm với số tiền xử hơn 3,2 tỉ đồng. Riêng từ đầu năm 2023, đã xử lý 65 tàu cá vi phạm với số tiền phạt hơn 784 triệu đồng”, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ sản Quảng Bình thông tin.
Với nỗ lực cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Quảng Bình đang tập trung ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân Quảng Bình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định.
Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định. Bảo đảm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản. Tiến hành lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thuỷ sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị theo dõi, quản lý.