Quảng cáo trên xe buýt: Khó có tiêu chí về “phản cảm”

UBND TP vừa có chỉ đạo về việc quảng cáo trên xe buýt. Theo đó, các quảng cáo không được có nội dung phản cảm và phải được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xét duyệt trước mới được phép xuất hiện trên xe buýt. Nhưng tiêu chí nào để xác định quảng cáo phản cảm và quảng cáo như thế nào là phù hợp với xe buýt?

Khó quy định rõ về phản cảm

Phòng Văn hóa-Gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết có thể hiểu phản cảm là trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, rất khó đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định thế nào là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Ví dụ: Hình ảnh phụ nữ hở ngực bao nhiêu centimet thì phản cảm? Thật khó xác định vì khi nhìn vào hình hở ngực này thì thấy có tính mỹ thuật nhưng nhìn vào hình kia, cũng hở bấy nhiêu đó lại thấy gợi dục, phản cảm. Tương tự, các quảng cáo sử dụng hình ảnh phụ nữ đẹp thường khoe một chút đường cong nhưng hình người này thì nhìn thấy đẹp, còn người khác lại thấy phản cảm.

Bên cạnh yếu tố kể trên, còn có một số sản phẩm mà bản thân nó nhạy cảm với nhiều người. Có nhiều ý kiến cho rằng không thể phơi bày quảng cáo sản phẩm băng vệ sinh, bao cao su... mọi lúc, mọi nơi. Thông tư 43/2003 về quảng cáo có quy định: Không được quảng cáo các loại sản phẩm hàng hóa mà nội dung, hình thức quảng cáo gây mất thẩm mỹ, không phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của dân tộc (như băng vệ sinh, giấy vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da và các loại sản phẩm tương tự) trên đài phát thanh, đài truyền hình trong khoảng thời gian 18-20 giờ hằng ngày.

Ngoài ra, thông tư này cũng cho phép địa phương có quy định riêng về quảng cáo các sản phẩm nói trên (quảng cáo ngoài trời). Do đó, TP.HCM cũng đã có quy định riêng, cấm dùng hình ảnh sản phẩm minh họa quảng cáo, ma-nơ-canh trưng bày quần, áo lót, băng vệ sinh, tã lót ở nơi công cộng hoặc mặt tiền nơi sản xuất, kinh doanh.

Quảng cáo trên xe buýt: Khó có tiêu chí về “phản cảm” ảnh 1

Khi bộ phim King Kongchuẩn bị trình chiếu tại Singapore, một chiếc xe buýt ở nước này đã dán nguyên poster quảng cáo hình vua khỉ. Ảnh: CẨM TÚ

Không nên quảng cáo sặc sỡ

Do không có quy định rõ ràng về thế nào là trái thuần phong mỹ tục nên việc nhận định phản cảm hay không phản cảm hiện nay còn phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của người thẩm định nội dung quảng cáo. Sở VH-TT&DL TP cho biết khi doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép quảng cáo, bộ phận chuyên trách của Sở đều thẩm định nội dung quảng cáo xem có sai quy định hay trái thuần phong mỹ tục hay không. Vì vậy, thời gian qua có rất ít trường hợp bị xử phạt hành chính về quảng cáo phản cảm. Các trường hợp bị xử phạt đều do quảng cáo không có giấy phép, quảng cáo không đúng nội dung, hình thức theo giấy phép...

Hiện nay, theo Quyết định 39/2009 của UBND TP về hoạt động quảng cáo tại TP, trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải không được có quảng cáo. Do đó, việc quảng cáo trên xe buýt cụ thể như thế nào, thực hiện ra sao còn đang được tính toán. UBND TP cũng đã giao Sở Giao thông Vận tải TP chịu trách nhiệm chính cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện phương án đề xuất thí điểm quảng cáo trên xe buýt và sớm trình UBND TP.

Phòng Văn hóa-Gia đình cũng cho biết thời gian qua đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc cho quảng cáo hay không quảng cáo trên xe buýt, quảng cáo như thế nào là phù hợp... Có ý kiến cho rằng màu sắc dùng cho quảng cáo trên xe buýt không nên quá sặc sỡ, hình ảnh không nên quá gây chú ý vì sẽ khiến người đi đường bị mất tập trung. Ngoài ra, có thể cùng là một hình ảnh quảng cáo nhưng nó chỉ phù hợp với quảng cáo trên tạp chí, nếu in hình này lên mặt hông xe buýt thì lại quá sôi động, quá gợi cảm, quá ấn tượng..., gây mất tập trung giao thông nên sẽ không phù hợp.

Trước năm 2002, TP.HCM vẫn cho phép quảng cáo trên xe buýt. Tuy nhiên, tháng 9-2002, UBND TP ban hành Quyết định 108 quy định cấm quảng cáo trên các phương tiện vận tải, vận chuyển hành khách công cộng. Đến tháng 6-2009, UBND TP có Quyết định 39 thay thế Quyết định 108, tuy nhiên vẫn giữ quy định cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải.

Do Pháp lệnh Quảng cáo (năm 2001) không cấm nên hiện các tỉnh, thành khác vẫn thực hiện quảng cáo trên xe buýt.

Nên xét từng trường hợp cụ thể

Địa phương nên cân nhắc quy định cấm quảng cáo sản phẩm nhạy cảm trên xe buýt. Có thể quảng cáo băng vệ sinh trên tạp chí, trên truyền hình nhưng nếu in trên xe buýt thì nó cứ nằm thường trực ngoài phố, làm sao mọi người chấp nhận được.

Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc quá bởi một số trường hợp tuy sản phẩm nhạy cảm nhưng hình thức và nội dung quảng cáo vẫn đảm bảo thẩm mỹ thì vẫn chấp nhận được. Việc phản cảm hay không phải xét từng trường hợp cụ thể.

Ông LÊ ANH TUYẾN, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch

Xe buýt Đà Nẵng không có quảng cáo nhạy cảm

Theo quy định riêng về quảng cáo ở Đà Nẵng (Quyết định 101/2006), các sản phẩm nhạy cảm chỉ được quảng cáo ở cửa hàng chuyên doanh và diện tích quảng cáo phải dưới 1 m2.

Ông VÕ ĐÌNH TỊNH, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý quảng cáo Đà Nẵng

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm