Chiều 29-4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chủ trì buổi họp nghe báo cáo việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR của tỉnh này.
Giá thấp nhất chào thầu
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế, cho biết vào thời điểm tỉnh này mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, các tỉnh gửi mẫu xét nghiệm về Viện Pasteur Nha Trang nhiều, gây nên tình trạng quá tải, khủng hoảng số lượng mẫu xét nghiệm.
Do đó, tỉnh Quảng Nam cần hệ thống xét nghiệm ngay tại địa phương và được Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh thống nhất chủ trương mua.
Theo ông Hai, trong vòng năm ngày, với yêu cầu nhanh, hiệu quả, các cơ quan vừa khảo sát giá, vừa tìm cấu hình hợp lý để có thể tận dụng sử dụng sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, Sở quyết định mua máy theo hình thức chỉ định thầu là hoàn toàn hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT
“Tiền nong lúc đó thật sự chúng tôi không suy nghĩ. Vấn đề ưu tiên nhất lúc đó là phải có cái máy bảo đảm mọi chuyện xảy ra” - ông Hai nói.
Nói về giá gói thầu mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR lên đến 7,23 tỉ đồng, ông Hai cho biết Sở Y tế đã tham khảo giá của tối thiểu ba đơn vị cung ứng khác nhau. Trong đó, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Giải Pháp Việt (gọi tắt là Giải Pháp Việt) chào giá thấp nhất với 7,56 tỉ đồng, hai công ty còn lại đều chào giá trên 9 tỉ đồng.
Ngoài ra, đối chiếu với giá trúng thầu của các địa phương đã mua sắm hệ thống tương tự trước đó là CDC Hà Nội (7 tỉ đồng), Sở Y tế Quảng Ninh (8,4 tỉ đồng). Ông Hai cho rằng mức giá 7,56 tỉ đồng là tương đối hợp lý nên trình Sở Tài chính thẩm định dự toán. Sau đó, Sở Y tế đã thương thảo giảm giá còn 7,23 tỉ đồng.
“Thật sự tôi biết rất nhiều rủi ro nhưng chúng tôi phải làm. Rủi ro về mặt pháp lý, hồ sơ, kỹ thuật. Lúc “dầu sôi lửa bỏng”, tôi hiểu hơn ai hết, nếu có lỗi gì tôi là người chịu trách nhiệm” - ông Hai bật khóc.
Ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, cho biết hệ thống xét nghiệm Realtime PCR mà tỉnh này mua là loại máy đặc thù, không bán đại trà trên thị trường. Tuy nhiên, Sở đã khảo sát nhiều đơn vị cung ứng loại máy này và chọn công ty có chào giá thấp nhất.
Ông Phan Văn Chín cho rằng tỉnh này mua hệ thống theo hình thức chỉ định thầu là đúng quy định. Ảnh: THANH NHẬT
“Việc thẩm định giá gặp vô vàn khó khăn. Không có thiết bị, hàng hóa tương tự để tham chiếu. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng hết sức và nhận định đây là gói thầu phải thực hiện theo hình thức chỉ định đúng quy định pháp luật” - ông Chín đồng quan điểm.
Từ hơn 7,2 tỉ đồng, xin giảm còn 4,8 tỉ đồng
Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Giải Pháp Việt, cho biết từ giữa tháng 3, công ty đã chủ động gửi báo giá và cấu hình hệ thống xét nghiệm đến Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.
Giải thích lý do giá gói thầu cao (7,23 tỉ đồng), bà Tuyến cho rằng khi Giải Pháp Việt không biết giá nhập khẩu của hệ thống.
“Vì không biết được giá đầu vào của nhà cung cấp nên chúng tôi không có căn cứ để xác định được giá chúng tôi mua vào là cao hay thấp, và không có căn cứ thực tế để thương thảo về giá với nhà cung cấp” - bà Tuyến nói.
Hệ thống xét nghiệm Realtime PCR. Ảnh: TA
Ngoài ra, bà Tuyến cho rằng các chi phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng như chi phí nhân công, lắp đặt, chuyên gia, vận chuyển, bảo hành, bảo trì… vào thời đó không ai biết trước tình hình dịch bệnh sẽ diễn ra như thế nào. Do đó, việc dự liệu chi phí cao hơn chi phí trong hoạt đồng mua bán thông thường là cần thiết.
Với giá gói thầu lên đến 7,23 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế của Công ty Giải Pháp Việt là 1,43 tỉ đồng. Sau khi đóng các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, Giải Pháp Việt lãi 1,04 tỉ đồng (tỉ suất lợi nhuận 14,5%).
Cuối cùng, bà Tuyến chủ động đề xuất giảm giá hợp đồng xuống còn 4,8 tỉ đồng. Lý do được bà Tuyến đưa ra là phía đơn vị nhập khẩu hệ thống đã đồng ý giảm giá bán thiết bị cho Giải Pháp Việt. Ngoài ra, các chi phí rủi ro thực tế liên quan đến hợp đồng thấp hơn chi phí rủi ro của Giải Pháp Việt dự kiến.
Nếu có sai phạm sẽ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết Thanh tra tỉnh sẽ thanh tra đột xuất gói thầu mua hệ thống Realtime PCR và báo cáo trước ngày 20-5. Sau đó sẽ thanh tra toàn bộ các gói thầu mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch. “Trong quá trình thanh tra, tôi yêu cầu Sở Y tế chưa được thanh lý hợp đồng với công ty bán máy. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan cảnh sát điều tra” - ông Thanh nhấn mạnh. |