Đây là huyện thứ chín trong tổng số 12 huyện/thị của tỉnh triển khai mô hình hợp nhất này.
Ngày 20-3, Huyện ủy Tiên Yên, Quảng Ninh cũng đã tổ chức công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc hợp nhất đồng thời hai nhóm cơ quan: Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện.
Bà Vũ Thị Dung, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết đề án hợp nhất về mặt tổ chức hai nhóm cơ quan bên đảng và bên chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng được Tỉnh ủy phê duyệt ngày 23-3 và sau đó đã có quyết định thành lập các cơ quan theo mô hình mới. Cụ thể, hợp nhất cơ quan thanh tra với kiểm tra, cơ quan nội vụ với tổ chức.
Đến nay đã có chín huyện hợp nhất tổ chức-nội vụ gồm: Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ, Móng Cái và Cô Tô. Tổ chức mới có tên gọi là cơ quan tổ chức-nội vụ.
Tám huyện hợp nhất thanh tra-kiểm tra, với tên gọi cơ quan kiểm tra-thanh tra gồm: Đông Triều, Cẩm Phả, Cô Tô, Hải Hà, Móng Cái, Tiên Yên, Uông Bí, Hạ Long.
Theo đề án của Tỉnh ủy Quảng Ninh, đây là hợp nhất về mặt tổ chức hai cơ quan, với một người đứng đầu duy nhất. Mỗi cơ quan này vẫn có hai con dấu, vẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở hai mảng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Bà Dung cho biết quá trình thực hiện nảy sinh một số vấn đề, trong đó làm tăng biên chế khối đảng, do nhận người từ khối chính quyền chuyển sang. “Chúng tôi phải xin ý kiến trung ương để khối Đảng tiếp nhận thêm biên chế, sau đó sẽ có lộ trình giảm dần”.
Vì các cơ quan được hợp nhất có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nên sau khi hợp nhất, về lý luận, chất lượng, hiệu quả công việc sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, để phát huy mặt thuận lợi này, theo bà Dung, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, theo hướng một người có thể thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ở cả hai vai đảng, chính quyền. Rồi hoàn thiện quy chế, cơ chế hoạt động trong việc thực hiện những nhiệm vụ chung, giảm bớt những quy trình chung gian.
Cũng về đề án này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thị Hoàng cho biết dù đề án tổng thể của tỉnh đã được ban hành nhưng việc triển khai ở các huyện/thị còn cần một số yếu tố thuận lợi hỗ trợ. Chẳng hạn, hai cơ quan dự kiến hợp nhất thì chỉ còn một người đứng đầu; người đứng đầu còn lại nếu đủ tuổi nghỉ hưu hoặc có thể bố trí công việc khác phù hợp, thì mới có thể tiến hành hợp nhất được.
Tuy nhiên, với kết quả bước đầu tích cực khi hợp nhất khối MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội với cơ quan dân vận ở tất cả huyện/thị, cũng như một số huyện đã thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu bên UBND với ban đảng cùng cấp thì đến nay nhiều huyện/thị ở Quảng Ninh đã đề nghị được triển khai ở địa phương mình.
Với kết quả này, có thể nói Quảng Ninh đang là tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.