Quảng Ninh lũ chồng lũ

Trong ngày 1 và 2-8, rất nhiều đợt mưa lớn đã ập xuống các tỉnh miền Bắc, gây ra lũ lớn khiến nhiều người dân chết, bị thương và thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

Phá đập cứu dân Uông Bí

Trong khi chính quyền Quảng Ninh vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ lịch sử chưa có 60 năm trở lại đây (làm 17 người chết, thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng) thì tỉnh này này lại tiếp tục hứng chịu thêm một đợt mưa lũ lớn nữa. Theo ghi nhận của PV vào chiều tối 1 và 2-8, nhiều cơn mưa lớn đã đổ xuống Quảng Ninh, nhấn chìm TP Uông Bí tại nhiều nơi, đặc biệt tại khu Công viên Sông Sinh ngập nặng. Khoảng 500 nhà dân bị ngập sâu trong nước và cuộc sống của bà con tại đây lao đao vì lũ lớn. Đường vào khu danh thắng Yên Tử ngập rất sâu. Trước tình thế hết sức nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của người dân TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã huy động lực lượng sử dụng máy xúc phá đập tràn cầu Sông Sinh để xả nước cứu dân.

TP Uông Bí đã huy động trên 50 chiến sĩ lực lượng quân đội và công an cùng các lực lượng dân quân tự vệ kết hợp với Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ an toàn cho người dân. 60 m barie di động để hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; huy động trên 2.000 m2 vải bạt để che các bờ taluy có nguy cơ sạt lở. Tính đến chiều tối 2-8, một số điểm ngập ở Uông Bí đã rút dần.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết trong ngày 2-8 tại huyện Hoành Bồ có sáu xã bị cô lập và tại huyện Ba Chẽ có năm xã bị cô lập do mưa lũ gây ra.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết hiện đang khẩn trương trực tiếp rà soát, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở. Kiên quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình không di dời khỏi nơi nguy hiểm, không cho người dân quay về chỗ ở cũ khi còn mưa và nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất.

Chính quyền Quảng Ninh đã quyết định phá đập cứu dân bị ngập sâu ở TP Uông Bí. Ảnh: CTV

Hai người chết, bảy người bị thương

Theo thông tin lụt bão từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đến 20 giờ ngày 2-8 mưa lũ gây ra làm chết hai người (Sơn La 1, Vĩnh Phúc 1) và bảy người bị thương (Điện Biên bốn người, Lào Cai hai người, Hà Giang một người).

Tại Lai Châu, mưa lũ kéo dài gây nhiều thiệt hại ở các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn và Phong Thổ khiến nhiều diện tích ruộng, hoa màu dọc suối Nậm Bum bị cuốn trôi. Nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng. Nhiều tuyến đường giao thông liên xã, bản của huyện Mường Tè và Nậm Nhùn vẫn tắc nghẽn cục bộ do đất đá sạt từ taluy đường đổ xuống.

Tại Tuyên Quang, mưa lũ cũng làm ngập úng gần 400 ha lúa và hoa màu, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Tại Bắc Giang, Lào Cai, mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho người dân. Xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế (Bắc Giang) có 45 ngôi nhà bị ngập trong nước, trạm y tế xã bị ngập nước, hai ngôi nhà bị đổ công trình phụ, một số nhà dân bị lũ cuốn trôi đồ đạc, tài sản. Tính đến chiều tối 2-8, Bắc Giang có 648 ha lúa, hoa màu bị ngập úng.

“Hiện các tỉnh đang tích cực khắc phục hậu quả, đồng thời lên phương án ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp trong những ngày tới” - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết thêm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để người dân bị đói, bị cô lập

Trước tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến nghiêm trọng, ngày 2-8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh Bắc Bộ và các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, ổn định đời sống người dân sau mưa lũ. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị trên tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại.

Cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn. Tăng cường thông tin truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn. Triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút…

94 hộ dân sẽ có nhà mới sau khi bị mưa lũ vùi lấp

Sáng 2-8, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đã kiểm tra và bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân này để bảo đảm cuộc sống lâu dài cho người dân tổ 1 và tổ 2, khu 4, phường Mông Dương (Cẩm Phả). “Tỉnh đã lên phương án ưu tiên, sắp xếp hợp lý các hộ tạm cư và hỗ trợ các gia đình tự tạm cư 2 triệu đồng/tháng trong ba tháng tới. Trước mắt các hộ dân sẽ được TP Cẩm Phả bố trí nơi tạm cư cho các hộ có nhu cầu tại khu nhà ở của cán bộ, công nhân Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam để chờ nhà mới” - ông Long cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm