Quốc hội cần sớm có nghị quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

(PLO)- Việc ban hành nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… đang vướng rất nhiều quy định của pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-5, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phản ánh về tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm.

Né tránh, đùn đẩy… có cả ở khối công và tư

Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm, đùn đẩy xảy ra phổ biến, tràn lan không chỉ ở khu vực công mà cả ở khối tư, trong doanh nghiệp.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 25-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 25-5. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Hiện có tình trạng một số doanh nghiệp kiểm định không làm, không tham gia (kiểm định) trong lĩnh vực đầu tư công vì họ sợ rắc rối. Định giá không khéo có thể hôm nay không sao nhưng hôm sau đi tù, nên tốt nhất là tránh, mời cũng không làm” - ông Công nói và cho rằng tình trạng này gây nguy hại rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng cần đánh giá rõ nguyên nhân của tình trạng này, nếu không sẽ rất khó giải quyết. “Căn bệnh này lây lan đã lâu, giờ nặng hơn rất nhiều” - ông nói.

ĐB này cũng nêu câu chuyện rất nhiều việc cấp dưới hỏi cấp trên, cấp trên bảo làm theo quy định, cứ thế quả bóng đá qua đá lại, ở giữa thì đình đốn kinh tế, việc không thông, cơ hội kéo dài, mất đi không giải quyết được…

Cùng quan điểm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí đề nghị cần có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của cán bộ, công chức nhà nước ở các cấp. Trong đó có những cán bộ giữ chức vụ quản lý có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, không giải quyết thủ tục hành chính, gây ách tắc kéo dài khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Điều này diễn ra gần như phổ biến, gây khó khăn, ách tắc cho người dân, doanh nghiệp…

ĐB Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cũng đề nghị cần sớm làm rõ cơ chế để cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. “Ai không làm được đứng sang một bên nhưng giải quyết đứng bên nào, đứng chỗ nào là vấn đề” - ông Khánh nói.

Không dám làm là suy thoái tư tưởng…

Nêu ý kiến tại Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.

“Phải xác định đây là những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị” - bà Trà nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, những biểu hiện về đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm các quy định của Đảng, đồng thời vi phạm các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

“Chúng ta không thể bênh vực, bao che các biểu hiện này” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, bà Trà cho rằng đẩy mạnh giáo dục về chính trị tư tưởng được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Theo đó, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị là trách nhiệm, nhiệm vụ mà công chức phải thực hiện.

“Phải xóa bỏ nhận thức của một bộ phận công chức là không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước HĐXX” - bà Trà cho rằng đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng chế độ công vụ, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Nhóm giải pháp quan trọng khác là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bộ trưởng Trà cho rằng hệ thống thể chế, chính sách của chúng ta có những mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, do vậy quá trình thực thi công vụ cũng sẽ có những khó khăn, rào cản, vướng mắc…

“Hoàn thiện hệ thống thể chế là nhiệm vụ rất quan trọng. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền; rà soát, bãi bỏ những quy định tạo cơ chế xin - cho hay thói quen “xin ý kiến”…” - bà Trà nói.

Cần nghị quyết của QHvề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho hay Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, việc ban hành nghị định này đang vướng rất nhiều quy định của pháp luật.

“Chúng tôi đang tham mưu Chính phủ báo cáo QH, Ủy ban Thường vụ QH để tới đây QH ban hành nghị quyết thí điểm khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó, Chính phủ mới ban hành nghị định…” - bà Trà nói và cho rằng như vậy mới đầy đủ tất cả cơ sở hành lang pháp lý, mới bảo vệ được cán bộ, nếu không làm như vậy sẽ “rất khó”.

“Nếu không có nghị quyết của QH, chúng ta không thể xé rào, vượt rào thực hiện việc này được” - Bộ trưởng Trà nói thêm.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đưa toàn bộ nội dung liên quan đến khuyến khích, bảo vệ cán bộ vào luật này. Theo bà Trà, đây là hành lang pháp lý quan trọng để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bà cũng cho rằng cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức vì bà cho rằng các cơ quan từ trung ương đến địa phương, ở đâu có người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm thì ở nơi đó vẫn phát triển. Thực tiễn đã chứng minh điều này.

Nhiều cán bộ bị xem xét xử lý kỷ luật dù không vụ lợi

Trao đổi thêm bên hành lang QH, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết vừa qua Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, trong đó đưa ra quy định xử lý cán bộ không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ thì bị xử lý, thuyên chuyển, cho thôi việc.

Ông cho rằng đây là biện pháp rất mạnh, rất quyết liệt nhưng nếu chỉ bằng các biện pháp hành chính như vậy thì khó thúc đẩy được tiến độ giải ngân. Bởi tâm lý lo ngại, e sợ khi thực thi công vụ hiện nay khá tràn lan trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Việc này không phải vô cớ, khi thực tế nhiều người khi thực thi công vụ đã bị xử lý dù không vụ lợi. Ông Cường dẫn chứng vừa qua Hà Nội có nhiều lãnh đạo, nguyên là cán bộ lãnh đạo bị đưa vào diện có vi phạm, không đến mức xử lý hình sự. Theo kết luận, họ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không có động cơ vụ lợi nhưng một số vụ việc để xảy ra hậu quả nên họ thuộc đối tượng phải chịu trách nhiệm và bị xem xét xử lý.

“Việc này khiến nhiều cán bộ khác e ngại và thận trọng, e dè trong việc đưa ra các quyết định và chỉ cần một vướng mắc nhỏ về quy định pháp luật là họ dừng bước, không dám hành động. Trong khi đó, vướng mắc pháp luật hiện nay khá phổ biến” - ông Cường nói và cho rằng cần phải tích cực sửa luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo…

“Người dám làm vì mục đích chung thì không bị kết vào sai phạm, vi phạm pháp luật” - ông Cường nhấn mạnh và đề xuất cần thực hiện công khai, minh bạch từ khi có ý tưởng đến hành động, triển khai để mọi người biết và người dân giám sát.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm