Sáng 18-4, bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ với báo chí về một số vấn đề liên quan Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.
TP.HCM xin làm thí điểm Kết luận 14
Ông cho biết TP.HCM muốn xin thí điểm và thực hiện một số vấn đề, trong đó có việc vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị giao cho TP.HCM sứ mệnh rất lớn, do đó rất cần những điều kiện, phương tiện tương đồng để cỗ máy hoạt động hiệu quả.
Về Kết luận 14, TP.HCM cũng xin làm thí điểm. Theo Bí thư, trong bối cảnh hiện nay, nếu làm theo luật thì có những cái không còn phù hợp. "Dám làm, dám chịu trước hết phải ở cấp cao nhất "- ông nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi làm việc với Thủ tướng ngày 16-4. Ảnh: VGP |
Ông ví dụ về câu chuyện trong thời điểm chống dịch COVID-19. Lúc đó, khi xây dựng BV dã chiến và tháp 5 tầng điều trị COVID thì lực lượng cơ sở là rất cần thiết, TP.HCM muốn tăng sự chủ động phòng dịch từ ngay tuyến y tế cơ sở nhưng không có lực lượng nên đã xin tăng cường bác sĩ trẻ về hỗ trợ.
Điều này không có trong quy định nhưng lúc đó vì sức khỏe của người dân nên buộc phải làm. "Nếu kiểm soát không kĩ về những quyết định đó, phát sinh vấn đề mới thì ai chịu. Vì vậy, cần có văn bản để bảo vệ bằng pháp luật khi có rủi ro. TP khuyến khích, động viên và làm những gì có thể để bảo vệ cán bộ của mình" - Bí thư nói.
Theo Bí thư TP.HCM, TP nhìn thấy rõ vấn đề liên quan đến cán bộ và đã đưa vào chủ đề năm 2023, nhấn vào nội dung nâng cao thực thi công vụ. Lãnh đạo TP đã nhìn thấy rõ, hiểu rằng đội ngũ đang quá tải nhưng không có nghĩa là chấp nhận sự tiêu cực, tránh né, sự thiếu trách nhiệm. “Cái nào ra cái đó, có những người làm được việc nhưng họ không có khả năng để diễn đạt, trình bày” – ông nói.
Bí thư TP.HCM kỳ vọng tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới sẽ có những quyết định cho phép TP.HCM tiên phong thí điểm những vấn đề mới; trong quá trình làm sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm và có sự bổ sung.
Sẽ có rà soát, phân loại lại về thẩm quyền
Chia sẻ thêm về ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT liên quan việc TP có 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ nhưng hầu hết các vấn đề được hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP, Bí thư Nên nói đã có chỉ đạo rà lại các văn bản, cho thống kê, phân loại lại.
Theo ông, việc phân loại này sẽ giúp đánh giá rõ cái nào thuộc thẩm quyền nhưng không làm; cái nào có vướng mắc nhưng e ngại, sợ trách nhiệm nên không báo cáo; việc nào đã báo cáo đúng.
Bí thư nói hiện vẫn còn nhiều điểm vướng về thủ tục, có sự không đồng bộ về các văn bản pháp luật.
"Nếu đặt mình vào vai người nhận hồ sơ thì liệu có dám giải quyết khi không có ý kiến của cơ quan khác không. Tình trạng này không chỉ ở TP hay riêng lĩnh vực nào. Quan trọng là khi người ta xin ý kiến, mình có cho ý kiến đúng hay không"- Bí thư đặt vấn đề và cho biết dù hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn có những chỗ chưa đồng bộ, thậm chí bất cập khiến cho người thừa hành lo ngại. Vì vậy, phải bình tĩnh để xem xét.
Kết luận 14 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ khi xuất hiện tình huống hệ thống luật có nhưng không còn phù hợp với nhu cầu bức bách của cuộc sống thì phải nghĩ cách để làm. Cách làm đó phải mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
"Tuy vậy, trong bối cảnh đó phải có cấp thẩm quyền quyết định chứ cấp dưới không tự quyết được. Có những điều mà yêu cầu cuộc sống đặt ra nhưng luật chưa quy định thì cũng phải đề xuất chứ không thể vì không có nên không làm"- Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Bảo vệ cán bộ trong thẩm quyền, trách nhiệm
Bí thư TP.HCM cũng nói thêm về ba điểm đột phá được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhưng khi tổng kết lại thì đây lại là ba điểm nghẽn của TP (hạ tầng kỹ thuật - xã hội, thể chế và nguồn nhân lực).
Về hạ tầng, Bí thư nói ai cũng đã thấy nhưng muốn tháo gỡ không phải trong một ngày, một bữa mà cần có mục tiêu ngắn hạn, dài hạn. “TP.HCM sẽ tháo gỡ trên tinh thần vừa tháo gỡ khó khăn vừa kiến tạo”- ông nói.
Khi Kết luận 14 được đưa ra, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng phải có trách nhiệm cụ thể hóa. Về phía TP.HCM, lãnh đạo luôn khuyến khích cán bộ làm, bảo vệ cán bộ của mình trong thẩm quyền, trách nhiệm. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng không thể vượt qua luật.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM luôn luôn đánh giá cán bộ dựa trên chương trình hành động của họ khi ứng cử. Cơ quan Mặt trận, HĐND TP sẽ có giám sát. Chi bộ sẽ ngồi lại đánh giá định kì và đánh giá cuối năm để xem cán bộ có làm đúng với cam kết chính trị của mình hay không.
TP.HCM sẽ là nơi thí điểm chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Trước đó như PLO thông tin, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án triển khai Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, dự kiến chọn TP.HCM làm thí điểm.
Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Trong đó, cơ quan soạn thảo đưa ra nguyên tắc chung cho cán bộ có những việc làm trên phải đảm bảo không trái Hiến pháp và điều lệ Đảng. Có những sáng kiến tháo gỡ giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn.
Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm phù hợp với yêu cầu thực tế, được đặc cách, ưu tiên trong quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ.
Về nội dung cụ thể, dự thảo quy định cán bộ khi thực hiện đề xuất được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước khi thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại. VIẾT LONG