Tại buổi làm việc với đoàn công tác do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu sáng nay, 16-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận một trong những nguyên nhân chủ quan của sự sụt giảm đà tăng trưởng kinh tế là do sự trì trệ của hệ thống hành chính.
"Tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức TP, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ thị về nội dung này"- ông Phan Văn Mãi cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác làm việc với TP.HCM. Ảnh: VGP |
Còn Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng thẳng thắn khi nói về thực tế đội ngũ cán bộ TP là đang có sự e dè, cầu an, thiếu tính chiến đấu trong thực thi công vụ và kiến nghị sớm hoàn chỉnh nghị định mà Bộ Nội vụ đang chủ trì dự thảo để góp phần hoàn thiện cơ chế pháp lý trong triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng đánh giá cao tinh thần nhìn thẳng vào cái chưa được của lãnh đạo TP. Theo ông, đó là sự co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong điều hành của TP cũng như cả nước.
"Chúng ta không thể đổ lỗi do xử lý mạnh tay tội phạm tham nhũng dẫn đến tình trạng này. Không có việc hình sự hóa các vụ việc hành chính mà xử lý rất hợp tình, hợp lý"- Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh và nói thêm, việc xử lý hàng loạt cán bộ vừa rồi giống như các bài thuốc để chữa các căn bệnh.
Nêu cụ thể, Trung tướng Lê Quốc Hùng nói có những việc đáng lẽ ra theo thẩm quyền, quy chế làm việc đã quyết được nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn máy móc lấy ý kiến rất nhiều ban, bộ, ngành và chờ đợi cho ý kiến.
Trong khi có những cái không thuộc phạm vi thẩm quyền trả lời nên các ban, bộ, ngành không trả lời cũng khó, trả lời cũng rất khó. Thời gian chờ đợi ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.
Trao đổi thẳng thắn về thực tế này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra câu chuyện, trong năm 2022, Bộ này đã tiếp nhận 584 văn bản hỏi ý kiến của TP.HCM. Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Trung bình mỗi ngày, Bộ phải trả lời cho TP.HCM hai văn bản; trong khi các nội dung mà TP hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP.
"Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Chúng tôi còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp"- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói thẳng.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng góp ý thẳng thắn với chính quyền TP.HCM. Ảnh: VGP |
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, chính tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn, chưa chủ động, quyết liệt trong thực hiện đó đã kìm hãm sự phát triển của TP.
Ngoài ra, chính niềm tin của thị trường và tâm lý xã hội cũng là vấn đề lớn. Nếu không giải quyết, TP.HCM sẽ khó tạo được đột phá.
“Vấn đề quan trọng hiện nay của TP.HCM là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo, khắc phục tư tưởng sợ, không dám làm”- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng góp ý.
Theo ông Dung, hiện có tình trạng ba không là: “Không nói, không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng".
Ông cũng khẳng định, có những nội dung mà TP.HCM hỏi đã được Bộ này ủy quyền, phân cấp, phân công 100%.
Cùng thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, để tháo gỡ được vấn đề tâm lý e ngại của cán bộ, điều quan trọng nhất là xử lý công việc phải đúng thẩm quyền, không lòng vòng, không xin ý kiến trình lên trình xuống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý. Ảnh: VGP |
Trước nhiều ý kiến trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Cán bộ cần tránh hai khuynh hướng là tránh tình trạng sợ trách nhiệm không dám làm, không để tiêu cực, tham nhũng xảy ra”.
Quan trọng hơn, cần tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Xử lý quyết liệt những tồn đọng liên quan đến công tác cán bộ, soát xét lại năng lực cán bộ cho phù hợp, ngăn ngừa những hành vi sai phạm mới.